Kinh tế

Hàng "độc" dịp tết

Thị trường Tết Nguyên đán luôn là cơ hội vàng tiêu thụ các loại đặc sản giá cao. Ngày càng không thiếu những nông dân mạnh tay đầu tư làm hàng đặc sản bán tết, như: bưởi hồ lô, xoài Úc, mãng cầu không hạt...

Bưởi hình thỏi vàng, bưởi hồ lô tại vườn của ông Ngô Văn Sơn (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) sẵn sàng ra thị trường tết.
Bưởi hình thỏi vàng, bưởi hồ lô tại vườn của ông Ngô Văn Sơn (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) sẵn sàng ra thị trường tết.

Nhưng không phải ai làm đặc sản cũng dễ dàng thu lợi nhuận khủng như nhiều người vẫn tưởng.           

* Không dễ làm

Ông Ngô Văn Sơn, người đầu tiên làm trái bưởi hồ lô tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), kể: “Tôi mất 2 năm thử nghiệm mới làm ra được những mẫu trái bưởi hồ lô đạt chuẩn như bây giờ. Thêm 1 năm, vài trăm trái bưởi chỉ đem cho người quen chưng chơi vì không có đầu mối tiêu thụ. Ngay cả khi nắm chắc kỹ thuật xử lý, chi phí bỏ ra để làm trái bưởi hồ lô cũng không nhỏ, chỉ tiền khuôn đã tốn hàng chục triệu đồng”.

Ông Trần Cầu, chủ trang trại xoài Úc tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Thời điểm này, thương lái đã tìm về tận vườn bao tiêu với giá cả trăm ngàn đồng cho 1kg xoài Úc, cao gần gấp đôi so với thời điểm chính vụ. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khi nông dân nắm vững về kỹ thuật mới nên làm xoài  nghịch vụ vì cả chi phí đầu tư và rủi ro đều rất cao. Cụ thể, như vụ xoài Tết Nguyên đán năm nay, nhiều nhà vườn mất trắng vì thời tiết thất thường”. 

Cùng gặp khó khăn đầu tư vụ trái cây chưng tết, bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại Kim Mai chuyên trồng các loại đặc sản xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu trái khủng, hạt lép tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho biết: “Vụ tết năm nay, xoài cát Hòa Lộc xem như thất trắng. Mãng cầu vừa giảm năng suất vừa cho thu hoạch sớm. Hiện rất nhiều thương lái đặt hàng, nhất là những đơn hàng lớn đi Hà Nội nhưng tôi đành phải từ chối vì phải ưu tiên cho những mối khách quen”.

* Tính trước đầu ra

Theo những nông dân có kinh nghiệm, làm hàng đặc sản thường tốn nhiều công và chi phí đầu tư nên lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Nông dân chỉ nên làm khi đầu ra được đảm bảo. Ông Ngô Văn Sơn cho hay: “Bây giờ nông dân khắp các tỉnh, thành đua nhau làm trái cây với nhiều hình độc, lạ. Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nên vụ tết này tôi chỉ làm trên 600 trái bưởi hồ lô đã có người đặt hàng trả tiền trước, vì làm dư không biết bán cho ai. Tết này tôi cũng bỏ không làm dòng sản phẩm dưa hấu hình thỏi vàng, hình trái tim vì công đầu tư nhiều nhưng thị trường không còn hấp dẫn như trước nữa”.

Với những loại trái cây chưng tết tuy không quá lo về đầu ra, nhưng thường cũng phải đến những ngày cận tết mới biết chắc thị trường thắng, thua. Vụ tết năm nay, người trồng mãng cầu xiêm cũng hồi hộp hơn vì khó dự đoán về thị trường. Ông Lưu Văn Hổ, thành viên của Tổ hợp tác mãng cầu xiêm VietGAP ấp Tân Hạnh (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Hiện giá mãng cầu xiêm thương lái mua tại vườn chỉ được 20 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá bán cùng kỳ mọi năm. Năm nay, vườn mãng cầu của gia đình tôi cho thu hoạch vụ tết sớm. Nhưng thị trường tết, thương lái còn thu gom cả mãng cầu non để bán chưng mâm ngũ quả; đồng thời năm nay mãng cầu trúng mùa hơn nên sản lượng cung cấp ra thị trường tết vẫn rất dồi dào. Do đó, phải đến tuần trước tết mới biết được mức giá tết của loại trái cây này”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,024,974       1/448