Kinh tế

Sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Đồng Nai là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển hàng đầu cả nước. Vì vậy, để phát triển bền vững, các đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất cần được triển khai...

Đồng Nai là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển hàng đầu cả nước. Do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, các đề án truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần được triển khai.

Trong quá trình triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thịt cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp tránh gây ra những hiệu ứng không tốt cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.
Trong quá trình triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thịt cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp tránh gây ra những hiệu ứng không tốt cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.

Vừa qua, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty TNHH TE-Food (TP.Hồ Chí Minh) và Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (đơn vị đang phối hợp thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà và trứng gà của Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh) về việc triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt, trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh.

* Cần thiết phải triển khai

Theo đề xuất, sẽ có 3 dự án liên quan gồm: truy xuất nguồn gốc thực phẩm; quản lý đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cho nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng chuẩn nhận diện toàn cầu hướng đến xuất khẩu. Nếu thực hiện đạt kết quả, đề án sẽ đưa Đồng Nai trở thành vùng chăn nuôi an toàn được quốc tế công nhận và hình thành khu vực phát triển công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu.

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến nhất

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đề nghị Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, là đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh về phương án, lộ trình triển khai các đề án về kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp với các chuyên gia tư vấn xây dựng đề án phù hợp với điều kiện của Đồng Nai; kế thừa và phát triển đề án về truy xuất nguồn gốc thịt từ những kinh nghiệm đi trước của TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, đề án cần được tính toán lộ trình hợp lý, sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong quá trình áp dụng, triển khai; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi, nhà sản xuất... để đảm bảo các đề án được triển khai có hiệu quả, tránh lãnh phí...

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, cho rằng hiện mỗi ngày Đồng Nai đang cung cấp khoảng 6 ngàn con heo và hàng chục ngàn con gà, trứng gà có nguồn gốc rõ ràng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh theo đề án truy xuất nguồn gốc của địa phương này.

Ngoài ra, các trang trại, cơ sở giết mổ tại Đồng Nai phần lớn cũng đã đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Các siêu thị tại Đồng Nai hiện đã bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc. Do đó, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thịt heo, gà và trứng sạch.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế của thị trường. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp, cụ thể, tránh gây ra những hiệu ứng không tốt cho người chăn nuôi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý đàn gia súc, gia cầm và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn phải được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đề án này phù hợp, đáp ứng các nhu cầu, hoạt động sản xuất sạch và phát triển nông nghiệp bền vững của Đồng Nai, cũng như hướng tới chuẩn nhận diện toàn cầu để xuất khẩu.

* Có tiêu chuẩn cao

Theo đơn vị đề xuất, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch (thịt heo, thịt, trứng gia cầm) sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến triển khai năm 2018, dự án sẽ thực hiện trên toàn tỉnh về hoạt động theo dõi việc cho ăn - tiêm chủng từ khi nuôi lấy thịt theo lô tại trại đủ tiêu chuẩn, theo dõi từ trại - thương lái - cơ sở giết mổ - kênh hiện đại tiến tới các chợ truyền thống, rồi sử dụng vòng niêm phong thế hệ mới để truy xuất nguồn gốc thịt. Khi vận chuyển xa, có thể dùng thẻ tai công nghệ mới. Sau đó hướng tới thực hiện đề án cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Giai đoạn 2 (2019-2020) dự án sẽ áp dụng công nghệ nhận dạng bằng camera thông qua điện thoại thông minh mà không cần đeo bất kỳ vật gì vào heo. Tương tự, đối với thịt, trứng gia cầm quy trình truy xuất cũng được triển khai như thế. Với dự án truy xuất thịt sạch này, kinh phí nhà nước dự kiến chi khoảng 2-3 tỷ đồng.

“Đồng Nai là địa phương vừa sản xuất vừa tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, thịt, trứng gia cầm. Trong khi, TP.Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nên mới chỉ làm được truy xuất nguồn gốc đến trại mà chưa làm được bước truy xuất heo chăn nuôi trong trại. Do đó, việc truy xuất ở Đồng Nai sẽ đòi hỏi thực hiện ở tiêu chuẩn cao hơn ở TP.Hồ Chí Minh” - ông Đào Hà Trung chia sẻ thêm.

Đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm có tính liên kết cao với việc quản lý đàn gia súc và gia cầm Đồng Nai và đề án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cho nông nghiệp chất lượng cao trong tương lai. Các đề án này đều áp dụng chuẩn nhận diện toàn cầu hướng đến xuất khẩu các sản phẩm về chăn nuôi, nông nghiệp…

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết dự án truy xuất nguồn gốc thịt sạch của Đồng Nai là dự án có những mục tiêu và đối tượng đặc thù của Đồng Nai nên không thể sử dụng chung máy chủ với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, đồng thời cần có phương án quản lý xuyên suốt các dự án nói trên. Sở Công thương sẽ khảo sát để chọn các chợ có đủ điều kiện để thí điểm trước khi nhân rộng việc truy xuất nguồn gốc thịt trong toàn tỉnh.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,969       3/447