Kinh tế

Hàng Việt chiếm lĩnh kệ hàng tết

Tại các chợ truyền thống, đại lý, siêu thị, trung tâm mua sắm trong dịp tết, hàng Việt chiếm từ 90-95% trên các quầy kệ. Trong đó, hàng hóa được sử dụng nhiều là thực phẩm,...

Tại các chợ truyền thống, đại lý, siêu thị, trung tâm mua sắm trong dịp tết, hàng Việt chiếm từ 90-95% trên các quầy kệ. Hàng hóa sử dụng nhiều là thực phẩm, chỉ một số mặt hàng chủng loại trong nước chưa đa dạng mới phải nhập khẩu, như: bánh kẹo làm từ chocolate, rượu ngoại, nước ép trái cây...

Sản phẩm mứt hầu hết là sản xuất trong nước. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại Co.op Mart Biên Hòa.
Sản phẩm mứt hầu hết là sản xuất trong nước. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại Co.op Mart Biên Hòa.

Từ ngày 6-2, sức mua tại các chợ, đại lý, trung tâm mua sắm và siêu thị bắt đầu tăng. Nguồn cung hàng hóa năm nay khá nhiều nên giá cả giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Chiếm lĩnh trên các kệ hàng vẫn là hàng Việt do các tập đoàn đa quốc gia đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó là hàng hóa đặc sản các vùng miền của những doanh nghiệp thuần Việt.

* Thực phẩm ngoại khó chen chân

Các loại thực phẩm khô, tươi sống, chế biến hầu hết hàng được sản xuất trong nước và nguồn cung dồi dào. Các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chú ý đến sản xuất những sản phẩm thị trường cần nên chủng loại khá đa dạng. Cụ thể như: các loại miến, bánh đa, hủ tiếu khô, thủy hải sản tươi sống, khô, thịt heo, gà tươi sống, chế biến, bánh chưng, củ kiệu, dưa món... là những sản phẩm được dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, hàng ngoại gần như không chen chân được.

Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, qua các đợt kiểm tra cho thấy hàng Việt dịp tết chiếm số lượng trên 90%. Xu hướng chung của người tiêu dùng là ưu tiên chọn hàng Việt. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, sở tăng cường kiểm tra chất lượng để kịp thời phát hiện xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng và những doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chân chính.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co.op Mart Biên Hòa, cho biết: “Ở nước ngoài ít ăn Tết Âm lịch như Việt Nam nên hàng hóa sản xuất cho dịp tết không có. Vì thế 95% hàng hóa cho Tết Nguyên đán là hàng Việt. Siêu thị chỉ nhập khẩu một số mặt hàng Việt Nam sản xuất chưa đa dạng là kẹo, bánh làm từ chocolate và rượu”.

Hệ thống siêu thị BigC cũng khẳng định hàng hóa bán tết có 96% là hàng Việt. “Dịp Tết Nguyên đán 2018, BigC ưu tiên đưa nhiều hàng Việt là đặc sản các vùng miền của những doanh nghiệp nhỏ và vừa lên kệ để giới thiệu với người tiêu dùng trong cả nước. Đồng thời, BigC còn hỗ trợ đưa hàng Việt xuất khẩu ra nước ngoài”- bà Lê Mai Linh, Phó chủ tịch điều hành quan hệ công chúng, truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết.

Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm mua sắm khác như: Vincom, Lotte Mart, MM Mega Market và các chợ, hàng thực phẩm chế biến, tươi sống hàng Việt vẫn chiếm lĩnh. Riêng các sản phẩm gia vị, nấm tuyết, đông cô có hàng nhập từ Trung Quốc hoặc các nước trong khối ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

* Người tiêu dùng chuộng hàng Việt

Ngoài thực phẩm tươi sống, chế biến thì bia, nước ngọt, trái cây, bánh mứt là những sản phẩm được người tiêu dùng mua nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Dương Đức Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Duy Uyên chuyên bán sỉ, lẻ các loại bia, nước ngọt ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), cho biết: “Năm nay nguồn cung hàng khá nhiều nên đến thời điểm này giá vẫn rất ổn định, chỉ tăng 2-3 ngàn đồng/thùng. Dịp tết trước, bia, nước ngọt nhập khẩu về nhiều nhưng năm nay rất ít và giá cao hơn rất nhiều so với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên người tiêu dùng chủ yếu mua hàng trong nước. Đơn cử như bia Heineken sản xuất trong nước khoảng 370 ngàn đồng/thùng thì hàng nhập khẩu từ Hà Lan về giá cao hơn khoảng 110 ngàn đồng/thùng”.

Các loại mứt, bánh kẹo hàng Việt cũng được lựa chọn nhiều vì các doanh nghiệp đều sản xuất, đóng gói bao bì riêng cho tết trong khi hàng nhập khẩu không có. Bà Nguyễn Thị Minh Phú (ấp Bình Hóa xã Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Từ 20 tháng Chạp tôi bắt đầu sắm tết, những loại bánh mứt, thực phẩm khô tôi đều chọn hàng Việt. Năm nay tôi thấy hàng Việt làm mẫu mã tết đẹp, giá phải chăng”.

Bà Phú nhận định nếu hàng Việt mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo và giá cạnh tranh sẽ có nhiều người chọn lựa. Các loại thực phẩm khô, bánh mứt người tiêu dùng chọn mua ở siêu thị nhiều hơn bên ngoài vì an tâm với chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

“Khoảng 1 tuần trở lại đây, người dân bắt đầu mua sắm dần cho tết. Những mặt hàng hay sử dụng trong tết người dân chọn hàng Việt nhiều hơn vì giá cạnh tranh, chỉ khi hàng Việt không có mới mua hàng nhập khẩu nên hàng hóa của siêu thị hơn 90% là hàng Việt” - bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức ở TX.Long Khánh, nói.

Với mặt hàng trái cây tươi, hàng Việt được ưa thích hơn. Táo, cam, nho, lê, quýt nhập khẩu từ Trung Quốc dù mẫu mã đẹp, giá rẻ hơn trái cây trong nước nhưng người tiêu dùng vẫn rất ít mua vì ngại chất lượng không đảm bảo. 

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,021,376       1/362