Kinh tế

Nghịch lý ngành cao su: Nhập khẩu tăng trưởng "lấn lướt" xuất khẩu

Xuất khẩu cao su của Việt Nam hiện đứng thứ 3 trên thế giới, tuy nhiên các sản phẩm cao su phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp vẫn phải nhập khẩu khá nhiều.

Một công đoạn trong khai thác mủ cao su tại Nông trường cao su Bình Sơn, huyện Long Thành.
Một công đoạn trong khai thác mủ cao su tại Nông trường cao su Bình Sơn, huyện Long Thành.

Năm 2017, sản lượng cao su xuất khẩu tăng 11%, nhưng nhập khẩu lại tăng hơn 28%.

* Nhập sản phẩm kỹ thuật cao

Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) chuyên sản xuất sản phẩm phụ trợ cao su, nhựa cho ngành công nghiệp mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 80 tấn cao su tổng hợp từ Hàn Quốc về để sản xuất. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty, cho biết đối với cao su thiên nhiên thì hiện nay trong nước chỉ sản xuất được các sản phẩm dân dụng và những sản phẩm không phải chịu nhiệt độ cao hoặc tiếp xúc với dầu nhớt.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, khả năng phát triển chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho ngành cao su trong nước là rất khó. Vì vậy, ngay cả thời gian cao su thiên nhiên tồn kho lớn, cao su trong nước rẻ thì nhập khẩu vẫn cao.

Riêng sản xuất các sản phẩm công nghiệp cần đến sự chịu nhiệt, chịu được các điều kiện ở các môi trường khác nhau thì phải sử dụng các loại cao su tổng hợp (cao su kỹ thuật). Loại cao su này trong nước hiện nay chưa thể đầu tư để sản xuất dù nhu cầu thị trường rất lớn. Ông Cường chia sẻ: “Công ty chúng tôi cung cấp các sản phẩm cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô trong và ngoài nước và chất lượng sản phẩm phải theo tiêu chuẩn cao. Đối với các chi tiết chỉ đòi hỏi tính va đập hay đàn hồi thì sử dụng cao su nguyên liệu trong nước, còn lại phải sử dụng các sản phẩm nhập khẩu”. Cũng theo ông Cường, ngành công nghiệp ô tô, chế tạo máy càng phát triển thì nhu cầu dòng cao su kỹ thuật càng tăng.

Chia sẻ về vấn đề này ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai - đơn vị chế biến cao su thiên nhiên khá mạnh, cho rằng sản xuất cao su tổng hợp phải theo nhu cầu của từng loại sản phẩm và từng thị trường đặt hàng nên không dễ đầu tư nhà máy để sản xuất. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Võ Hoàng An, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên, nhưng hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu một số loại cao su nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh.

* Đa dạng thị trường nhập khẩu

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2017 xuất khẩu cao su thiên nhiên gần 1,4 triệu tấn mủ với kim ngạch khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 11% về sản lượng và gần 35% về giá trị so với năm 2016.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng trưởng mạnh, song đáng chú ý sản lượng cao su nhập khẩu đang tăng nhanh. Tuy kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm cao su hiện thấp hơn kim ngạch xuất khẩu, với hơn 1 tỷ USD và khối lượng cao su trên 550 ngàn tấn, song về tăng trưởng thì nhập khẩu tăng đến hơn 27% về sản lượng và gần 58% về giá trị. Năm 2017, cao su được nhập khẩu về Việt Nam từ 17 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi đó 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức nhập khẩu trên 10 ngàn tấn cao su của các doanh nghiệp Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc hơn 95 ngàn tấn sản phẩm, tiếp theo là Campuchia hơn 86 ngàn tấn, Thái Lan hơn 60 ngàn tấn, Nhật Bản 56 ngàn tấn, Đài Loan gần 44 ngàn tấn, Trung Quốc hơn 40 ngàn tấn, Indonesia khoảng 31 ngàn tấn, Malaysia hơn 16 ngàn tấn, Nga gần 14 ngàn tấn và Hoa Kỳ gần 12 ngàn tấn.

Cũng theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Indonesia đang cung cấp phần lớn về sản lượng cao su cho thị trường Việt Nam. Các quốc gia này đều tập trung ưu tiên trong khâu chế biến với công nghệ kỹ thuật cao cho từng thị trường và giá khá cạnh tranh.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,007,140       1/571