Kinh tế

Mong Đồng Nai và Ấn Độ mở rộng thêm quan hệ giao thương

Sau khi nhậm chức, chuyến đi làm việc đầu tiên của ông K.Srika Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, là đến Đồng Nai. Mục đích của ông là làm cầu nối giúp doanh nghiệp (DN) Ấn Độ và Đồng Nai mở rộng giao thương. Ngoài ra, ông cũng muốn tìm hiểu thêm các chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh để hỗ trợ các DN Ấn Độ đang muốn đầu tư vào Đồng Nai.

Đồng Nai là thị trường xuất, nhập khẩu lớn của DN Ấn Độ. Thương mại 2 bên đạt hơn 550 triệu USD trong năm 2017.

* HỘI TỤ NHIỀU LỢI THẾ

 Ông đánh giá ra sao về môi trường đầu tư của Đồng Nai so với các tỉnh, thành ở phía Nam?

- Ngay sau khi nhậm chức, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về tình hình phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phía Nam và khẳng định Đồng Nai là nơi hội tụ nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, nông nghiệp và du lịch. Bởi tỉnh có nhiều khu công nghiệp hoàn chỉnh về hạ tầng và kết nối với các đường giao thông huyết mạch thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Thời tiết ở Đồng Nai cũng khá thuận lợi, hiếm khi xảy ra, bão lũ nên khi DN đầu tư vào ít phải lo đến thiệt hại do thiên tai.

Hàng năm các DN Đồng Nai nhập khẩu một lượng nguyên liệu lớn phục vụ cho sản xuất nên nếu đầu tư vào tỉnh, DN rất dễ kiếm được đối tác cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, có lợi cho cả 2 bên.

 Đồng Nai có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như vậy, song vì sao các DN Ấn Độ đầu tư vào tỉnh còn ít?

- Đúng là đầu tư của DN Ấn Độ vào Đồng Nai chưa xứng với tiềm năng của 2 bên. Thời gian qua, các DN Ấn Độ mới chỉ tập trung vào việc xuất, nhập khẩu hàng hóa với Đồng Nai là chính, còn việc đầu tư trực tiếp vào tỉnh còn ít. Tuy nhiên, những năm gần đây các DN Ấn Độ đã mở rộng đầu tư vào Đồng Nai thông qua nước thứ 3 nên nguồn vốn không được ghi là của Ấn Độ. Nhưng tôi tin trong thời gian tới sẽ có nhiều DN Ấn Độ đầu tư trực tiếp vào tỉnh trên các lĩnh vực. Trong năm 2017, có nhiều DN Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam đã đến Đồng Nai tìm hiểu các chính sách, môi trường đầu tư và tỉnh là nơi hội tụ nhiều ưu thế để các nhà đầu tư lựa chọn.

Ấn Độ và Việt Nam đã có hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Theo Bộ Công thương, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam.  Ấn Độ là thị trường xuất khẩu nông sản chính của nước ta. Những mặt hàng có tiềm năng xuất vào thị trường này là: điện tử, phụ kiện máy tính, thủy sản, phụ tùng máy móc.

Thế mạnh của DN Ấn Độ là những lĩnh vực nào, thưa ông?

- DN có thế mạnh trên một số lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, y dược. Như tôi được biết thì đây đều là những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư nước ngoài. Với những lợi thế riêng của Đồng Nai, cùng với các hiệp định thương mại song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết, tới đây tôi tin sẽ có nhiều DN Ấn Độ cũng như các nước khác đến tỉnh đầu tư để hàng hóa khi xuất khẩu được hưởng các ưu đãi về thuế, tăng khả năng cạnh tranh hơn.

 Vậy lĩnh vực nào các DN Ấn Độ đang muốn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai?

- Lĩnh vực mà các DN Ấn Độ đang muốn đầu tư vào tỉnh là sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đồng Nai là thị trường xuất khẩu nguyên liệu sản xuất công nghiệp lớn của Ấn Độ. Gần đây nhiều hiệp định thương mại của Việt Nam được ký kết đã và sắp có hiệu lực, nhưng trong đó Ấn Độ không tham gia. Theo yêu cầu về xuất xứ hàng hóa thì muốn được hưởng các ưu đãi về thuế, DN phải dùng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ những nước cùng tham gia hiệp định. Như vậy, các DN Việt Nam có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước hoặc chuyển qua nhập từ các quốc gia cùng tham gia hiệp định thương mại. Do đó, sẽ có làn sóng DN Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai để sản xuất cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 Đồng Nai đang có những dự án về hạ tầng giao thông rất lớn là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số đường cao tốc... đây là lĩnh vực thế mạnh của DN Ấn Độ. Không biết DN Ấn Độ có quan tâm và muốn đầu tư vào lĩnh vực này?

- Tôi cũng đã trao đổi với các DN Ấn Độ đang hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng và logistics thì họ cho biết rất quan tâm đến những dự án hạ tầng lớn của Đồng Nai, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vừa qua, đã có những DN hạ tầng của Ấn Độ nhờ lãnh sự quán hỗ trợ thông tin về dự án này để nắm rõ về quy hoạch, tiến độ và các lĩnh vực mời gọi đầu tư để tham gia. Tôi nghĩ đây là dự án hạ tầng rất lớn, không chỉ riêng các tập đoàn, DN về hạ tầng của Ấn Độ quan tâm mà nhiều tập đoàn hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng, logistics của các nước cũng quan tâm và muốn đầu tư vào các hạng mục.

* MUỐN MỞ RỘNG GIAO THƯƠNG

 Đồng Nai đang là đối tác thương mại lớn của Ấn Độ, những mặt hàng nào các DN Ấn Độ đang muốn mở rộng xuất khẩu vào tỉnh?

- Đồng Nai là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp như: bông, sợi, vải, máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong thời gian tới DN Ấn Độ muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trên vào tỉnh và mở rộng ra các mặt hàng khác là nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, các sản phẩm có dùng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, thuốc, thiết bị y tế... DN Ấn Độ dự tính sẽ tăng thương mại 2 chiều. Thực tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ mỗi năm đều tăng. Cụ thể năm 2017 thương mại của 2 nước đạt gần 10 tỷ USD, dự tính sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2020.

 Những mặt hàng nào DN Ấn Độ muốn nhập khẩu nhiều từ Đồng Nai?

- Các DN Đồng Nai đang xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ nhiều mặt hàng với số lượng lớn là: nông sản, may mặc, giày dép, điện tử, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc và phụ tùng... Vài năm trở lại đây, nhập khẩu hàng hóa của DN Ấn Độ từ Đồng Nai ngày càng đa  dạng hơn, không còn bó hẹp ở một vài mặt hàng nữa. Và tôi tin tới đây thương mại giữa Đồng Nai và Ấn Độ tiếp tục tăng cao, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ Đồng Nai vì sản phẩm xuất khẩu của tỉnh khá đa dạng, giá cả tương đối cạnh tranh.

 Theo ông, Đồng Nai cần làm gì để thu hút được làn sóng đầu tư từ Ấn Độ và mở rộng giao thương giữa 2 bên?

- Có hạ tầng giao thông, khu công nghiệp hoàn chỉnh, logistics phát triển để thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa đi các nơi. Đồng thời tỉnh cần có nhiều chính sách thông thoáng trong giải quyết thủ tục đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa. Khi DN gặp khó khăn vướng mắc, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ. Vì thế, muốn DN Ấn Độ cũng như các nước khác đầu tư vào tỉnh nhiều hơn, Đồng Nai nên tiếp tục cải cách giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian giải quyết các hồ sơ. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp với những tuyến đường cao tốc, đường lớn để rút ngắn khoảng cách, thời gian vận chuyển hàng hóa cho DN.

Về thương mại, tỉnh nên tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại Ấn Độ giới thiệu những sản phẩm của tỉnh. Về phía lãnh sự quán, chúng tôi sẽ làm cầu nối giúp DN 2 phía mở rộng giao thương, và sẽ đưa những DN Ấn Độ đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Đồng Nai tìm đối tác.

 Xin cảm ơn ông!

 Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,997,150       1/1,302