Kinh tế

Phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt dự án "Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030". Theo quy hoạch, tổng diện tích của dự án hơn 700 hécta, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dự án này trên 4,4 ngàn tỷ đồng.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”. Theo quy hoạch, tổng diện tích của dự án hơn 700 hécta, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dự án này trên 4,4 ngàn tỷ đồng.

Mô hình ứng dụng nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng được nông dân quan tâm vì cho lợi nhuận cao. Trong ảnh: Trại nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hải tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.
Mô hình ứng dụng nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng được nông dân quan tâm vì cho lợi nhuận cao. Trong ảnh: Trại nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hải tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Mục tiêu của dự án là phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng siêu thâm canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn thị trường xuất khẩu.

* Còn lãng phí tiềm năng

Hiện toàn huyện Nhơn Trạch có trên 1,7 ngàn hécta nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là thủy sản nước lợ. Diện tích này đang bị thu hẹp dần, giảm mạnh nhất là diện tích nuôi tôm. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay diện tích nuôi tôm đã giảm gần 400 hécta. Ngoài nguyên nhân do bị thu hồi đất cho các dự án phi nông nghiệp thì rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường khiến người nuôi tôm không còn vốn để tái sản xuất. Sản lượng tôm nuôi cũng giảm mạnh từ 3.562 tấn/năm vào năm 2010 xuống còn 1.130 tấn/năm vào năm 2016.

UBND huyện Nhơn Trạch đã thỏa thuận giới thiệu địa điểm cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ) diện tích hơn 50 hécta để triển khai dự án nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Phước An. Mục tiêu lớn nhất của dự án là xây dựng khu thực nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung với công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Hiện tổng doanh thu bình quân của nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh ở địa phương là 1,25 tỷ đồng/hécta, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Với mô hình nuôi quảng canh, người nuôi đạt doanh thu khoảng 270 triệu đồng/hécta, lợi nhuận 180 triệu đồng. Thời gian qua, nuôi tôm nước lợ đang có sự chuyển đổi sang hướng thâm canh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao cho hiệu quả  nhưng sự chuyển đổi này còn rất chậm vì với 947 hécta nuôi tôm sú quảng canh vẫn chiếm 75% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ.

Ông Lê Văn Ly, nông dân có trên 3 hécta nuôi thủy sản quảng canh tại xã Phước An, chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại các tỉnh miền Tây và thấy lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn nuôi theo hướng quảng canh vì chuyển đổi sang hướng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao cần kinh phí đầu tư rất lớn. Mặt khác, chúng tôi cũng rất e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn cho người nuôi”.

Dự tính, dự án sẽ hình thành vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại 2 xã Phước An và Vĩnh Thanh theo hình thức ứng dụng công nghệ cao. Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao này hơn 226 tỷ đồng. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng chính là tiền đề để thu hút nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi.

* Nuôi tôm công nghệ cao

Ông Nguyễn Trường Đại ở xã Vĩnh Thanh là nông dân đi tiên phong tại địa phương trong chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao.  Năm 2015, ông Đại đầu tư lót bạt ny-lông ở đáy ao và làm lưới lan che phía trên không gian ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động… Ông Đại so sánh: “ Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Mỗi năm, tôi nuôi được từ 4-5 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn”.

Bè nuôi hàu tại xã An Phước. Ảnh: B.Nguyên
Bè nuôi hàu tại xã An Phước. Ảnh: B.Nguyên

Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Đến nay, toàn huyện có trên 30 hécta chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này đang được địa phương khuyến khích nhân rộng vì giúp tăng năng suất, đồng thời giảm rủi ro dịch bệnh cho con tôm. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao này thu hút được doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, hỗ trợ chuyển giao về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.

 Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Phước An (xã Phước An), cho biết: “So với nuôi tôm theo hướng quảng canh thì mô hình nuôi tôm thâm canh cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh, năm 2016 Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao Phước An được thành lập và ngày càng thu hút đông xã viên. Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là địa phương cần quan tâm hơn trong việc đưa nguồn điện về phục vụ sản xuất”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,989,103       12/871