Kinh tế

Thị trường trái cây: Lo mất sân nhà, chông chênh xuất khẩu

2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 650 triệu USD, tăng trên 54% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu các loại trái cây chủ lực cyả tỉnh đều tăng mạnh.

2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 650 triệu USD, tăng trên 54% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó xuất khẩu các loại trái cây chủ lực như: thanh long, xoài, sầu riêng... đều tăng mạnh.

Trái sầu riêng của Đồng Nai chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh chụp tại chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất).
Trái sầu riêng của Đồng Nai chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh chụp tại chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất).

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tuy năm 2017 rau quả đứng trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô (đạt 3,5 tỷ USD) nhưng giá trị xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới.

* Đối mặt với khủng hoảng thừa

Ông Đạt so sánh, năm 2016 diện tích nhóm 10 loại trái cây chủ lực xuất khẩu mạnh của Việt Nam gồm: thanh long, chuối, xoài, thơm, cam, bưởi, vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng đạt trên 640 ngàn hécta. Theo kế hoạch đến năm 2020, diện tích trên sẽ tăng lên 810 ngàn hécta và đạt 1,2 triệu hécta vào năm 2030.

“Với diện tích như hiện nay, trái cây Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy xuất khẩu trái cây đang tăng nhanh nhưng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc đầy rủi ro. Với tốc độ tăng trưởng này, nếu Việt Nam không đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây thì sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thừa” - ông Đạt nhận định.

Chia sẻ về lợi thế tham gia thị trường xuất khẩu trái cây, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, khẳng định: “Đồng Nai là thủ phủ trái cây của cả nước với diện tích các loại trái cây thuộc nhóm xuất khẩu mạnh như: xoài, chuối, chôm chôm, sầu riêng lớn nhất nước. Nhưng Đồng Nai vẫn chưa biến thế mạnh này thành lợi thế vì trái cây của Đồng Nai chưa tiếp cận tốt thị trường xuất khẩu. Đầu ra vẫn là bài toán khó của sản xuất nông nghiệp hiện nay”. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ vựa chuyên thu mua chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Trái chuối Việt Nam có thể xuất khẩu đi nhiều nước như: Nga, Trung Đông, Hàn Quốc... Nhưng thực tế, nếu Trung Quốc không “ăn” hàng là chuối Việt Nam phải đổ bỏ vì không có nơi tiêu thụ. Sản lượng chuối Việt Nam rất lớn nhưng rất ít hàng đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác. Bao năm qua, thương lái chúng tôi vẫn chỉ tập trung đóng hàng đi Trung Quốc nên năm nào cũng vậy, chỉ cần chuối rộ vụ là gặp cảnh rớt giá”.

* Sản xuất sạch hay là... chết

Vài năm trở lại đây, nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc... bắt đầu mở cửa cho trái cây Việt Nam. Sản lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường trên cũng tăng nhanh theo từng năm. Nhưng tiềm năng này cũng không dễ khai thác.

Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường, cho biết: “Các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... mỗi năm đều cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới. Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của rau quả xuất khẩu ngày càng cao trong khi khó khăn không nhỏ là có nhiều hoạt chất thế giới cấm nhưng ở Việt Nam vẫn sử dụng tràn lan”.

Cũng theo ông Nhật, sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức kiểm định độc lập quốc tế cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản.

Không chỉ các nước đang dần siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. Nhưng nông dân Việt Nam vẫn chưa thay đổi thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học trong sản xuất.

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cảnh báo: “Mỗi năm, hàng ngàn tấn gạo và rất nhiều mặt hàng trái cây, thủy sản xuất khẩu không đạt chuẩn đã bị trả về, nhưng lại bán cho người tiêu dùng trong nước vì tôi chưa nghe thấy thông tin nào về việc tiêu hủy những lô hàng này. Hậu quả là chúng ta thua ngay trên sân nhà”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,974,986       1/259