Kinh tế

Hội nghị WEF ASEAN 2018 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Chiều 30-8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (Hội nghị WEF ASEAN 2018).

 
(Nguồn: Ketchum)
(Nguồn: Ketchum)
Sự kiện sẽ chính thức diễn ra từ ngày 11 đến 13-9 tới tại Hà Nội do Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu và các đối tác truyền thông lớn trên thế giới. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết với chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối & Sáng tạo," Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến được tổ chức từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 ngày 13/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC). 

Hội nghị sẽ sẽ thảo luận về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời giới thiệu các chính sách, cơ hội đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, kết cấu hạ tầng...

Theo kịch bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ chính thức khai mạc Hội nghị và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. 

Hội nghị sẽ tập trung giới thiệu những cơ hội mới trong kinh doanh của Việt Nam, với phần tham gia thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành như tài chính, giao thông vận tải... cũng như đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. 

Dự kiến sẽ có hơn 1.200 đại diện doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEA...., đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế và các Tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.

Hội nghị năm nay là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN và thế giới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp được cập nhật chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN; tìm hiểu cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế tại Việt Nam, đồng thời trao đổi cơ hội, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và nắm bắt xu hướng mới, tầm nhìn mới về hoạt động kinh doanh trong khu vực để phát triển kế hoạch, hoạch định chiến lược một cách phù hợp. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chính là kết nối và sáng tạo. Đây là hai đường ray cho con tàu kinh tế phát triển. Việt Nam là điểm kết nối giữa nền kinh tế thế giới với ASEAN. Việt Nam cũng là trái tim của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Đổi mới và sáng tạo đang là trọng tâm phát triển vào lúc này và Việt Nam đang nỗ lực trở thành nền kinh tế sáng tạo, gắn liền với tinh thần khởi nghiệp. 

Việt Nam cũng là một trong 20/60 nền kinh tế được khảo sát là có chỉ số tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang lên rất cao và khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. 

Nếu xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối và đổi mới sáng tạo, Việt Nam có quyền hy vọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và tạo làn sóng mới ở Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định./.

 (TTXVN/VIETNAM+)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,151,698       27/1,047