Kinh tế

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

Măc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Đồng Nai trong 8 tháng đầu năm 2018 vẫn gặt hái được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực...

Dù vẫn còn không ít thách thức nhưng kinh tế Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2018 vẫn gặt hái được những kết quả đáng kể trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, du lịch, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đồng Nai đang đứng trong tốp đầu về xuất khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng xuất khẩu tại cảng Gò Dầu.
Đồng Nai đang đứng trong tốp đầu về xuất khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng xuất khẩu tại cảng Gò Dầu.

Đến cuối tháng 8, thu hút đầu tư nước ngoài đã vượt kế hoạch năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 8,4%, xuất siêu trên 1,7 tỷ USD. Các khu, điểm du lịch của tỉnh đón trên 2,9 triệu lượt khách. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

* Đầu tư nước ngoài cán đích

Năm 2018, kế hoạch của Đồng Nai là thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên đến cuối tháng 8, số vốn thu hút được đã đạt trên 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch năm đề ra. Những dự án tỉnh thu hút được đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động. Hiện tại, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước (31 khu công nghiệp đang hoạt động); tỷ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 76,4%  cao hơn bình quân cả nước trên 15%.

Đồng Nai vẫn dẫn đầu xây dựng nông thôn mới

Đến nay, tỉnh đã có 129/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại 4 xã đang tiến hành thẩm định; có 8/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng Nai được Chính phủ đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai đang phấn đấu để 4 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018, sau đó tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của tỉnh và dự tính đến cuối năm sẽ nâng lên 20 xã.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Dù thu hút đầu tư có sự chọn lựa kỹ nhưng đến cuối tháng 8, Đồng Nai đã vượt kế hoạch năm hơn 20%. Trong số những dự án mà tỉnh thu hút được có khoảng 40% dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới nên cùng một dự án có thể đáp ứng được 3 yêu cầu của tỉnh là: công nghệ hiện đại, thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và sử dụng ít lao động”.

Khoảng 4 năm trở lại đây, Đồng Nai thu hút được khá nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Do đó xuất khẩu của tỉnh mỗi năm đều tăng từ 11-12% và trở thành một trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều cũng đồng nghĩa với việc giảm nhập siêu.

Theo ông Choi Heung Yeon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại - công nghiệp Hàn Quốc, với lợi thế về giao thông, địa lý, Đồng Nai sẽ là tỉnh được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và các nước khác chọn để đầu tư trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

* Xuất siêu bằng gần 50% cả nước

Từ năm 2017, cả nước mới chính thức xuất siêu thì tại Đồng Nai từ năm 2015 đã bắt đầu xuất siêu. Trong 8 tháng của năm 2018, xuất siêu của Đồng Nai bằng gần 50% của cả nước và tỉnh đang đứng trong tốp đầu về xuất khẩu hàng hóa.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại công ty cổ phần Đồng Tiến
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại công ty cổ phần Đồng Tiến

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 8 tháng của năm nay, DN trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu khoảng 12,2 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu trên 10,4 tỷ USD và tăng 9,3%. Nếu chỉ tính riêng một số ngành hàng có xuất khẩu lớn như: may mặc, giày dép, điện tử và linh kiện, sản phẩm từ gỗ thì xuất siêu của Đồng Nai sẽ rất lớn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giày dép từ đầu năm đến nay là trên 2,4 tỷ USD,  giá trị thặng dư trên 1,9 tỷ USD. Ngành dệt may xuất khẩu  gần 1,3 tỷ USD và cán cân thương mại đang nghiêng về tỉnh với chênh lệch gần 700 triệu USD. Mặt hàng sản phẩm từ gỗ xuất siêu trên 715 triệu USD.

Lượng khách du lịch tăng mạnh

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho hay, lượng khách du lịch đến Đồng Nai từ đầu năm đến nay là trên 2,9 triệu lượt người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu đạt gần 1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14,5%. Gần đây các khu du lịch cũng chú ý đầu tư thêm khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ đi kèm để khách lưu trú qua đêm. Vào dịp Quốc khánh 2-9, Đồng Nai sẽ khai trương và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông nên dự kiến lượng du khách đến Đồng Nai tiếp tục tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội May Việt Nam đánh giá: “Đồng Nai nằm trong các tỉnh, thành thuộc tốp đầu về xuất khẩu dệt may của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh không ngừng tăng và lĩnh vực dệt may ngày càng xuất siêu lớn vì DN luôn chú trọng tìm nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu đáp ứng những tiêu chí về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào các nước Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do”.

Nhiều DN ngành dệt may, giày da tại Đồng Nai cho biết, nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng được cải thiện rõ rệt và giá cạnh tranh. Vì thế các DN ưu tiên chọn hàng trong nước để chủ động sản xuất, bớt khâu vận chuyển xa.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tại công ty, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu ngày càng giảm. Hiện có những đơn hàng chỉ nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 20-30% vì các DN nước ngoài thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may đầu tư vào Việt Nam nhiều nên nguồn hàng rất dồi dào”.

Theo nhận định của ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, xuất khẩu của Đồng Nai năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 12%/năm. Thị trường thế giới tuy có những biến động, song hàng xuất khẩu của Đồng Nai vẫn ổn định vì chất lượng đảm bảo, giao hàng nhanh. Phía tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ DN kịp thời tháo gỡ khó khăn trên các lĩnh vực để họ yên tâm sản xuất.

“Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt xúc tiến thương mại giữa DN trong nước với DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai để liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau, giảm nhập khẩu nên xuất siêu mỗi năm đều tăng” - ông Dũng nói. Theo đó, trong năm 2017, bình quân mỗi tháng Đồng Nai xuất siêu khoảng 180 triệu USD thì sang năm nay bình quân xuất siêu trên 210 triệu USD/tháng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,151,558       18/1,043