Kinh tế

Nông sản sạch: Chứng nhận chưa đủ tạo niềm tin

Đối với nông sản sạch, hiện đã có rất nhiều loại chứng nhận, trong đó có thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ... , nhưng khó khăn lớn nhất là đầu ra vẫn chưa bền vững.

Đối với nông sản sạch, hiện nay có khá nhiều loại chứng nhận trong đó có thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ... Tuy nhiên, khó  khăn  lớn nhất là nông sản sạch được chứng nhận vẫn chưa có đầu ra bền vững nên chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường.

Rau VietGAP vẫn khó khăn về đầu ra. Trong ảnh: Sản xuất rau sạch tại Hợp tác xã rau sạch Trường An (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).
Rau VietGAP vẫn khó khăn về đầu ra. Trong ảnh: Sản xuất rau sạch tại Hợp tác xã rau sạch Trường An (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

Nhiều vùng nông sản sau chương trình được Nhà nước hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... hầu như không được tái chứng nhận. Điều này gây lãng phí khi đầu tư nhiều nhưng thực tế chưa có mấy thương hiệu nông sản được thị trường biết tiếng.

* Nông sản VietGAP bí đầu ra

Suốt thời gian qua, tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỉnh hiện không thiếu các vùng nông, lâm, thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP. Trong chính sách hỗ trợ có nội dung hỗ trợ xúc tiến thương mại để sản phẩm VietGAP có đầu ra bền vững. Nhưng thực tế, nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP gặp không ít khó khăn vì sản phẩm sạch chưa có đầu ra bền vững.

Gần 2 năm trước, nông dân nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) hào hứng vì được Nhà nước hỗ thực hiện quy trình nuôi tôm an toàn và được cấp chứng nhận VietGAP. Toàn xã có hơn 50 hécta nuôi tôm thì đã có 36 hécta áp dụng quy trình VietGAP. Từ đó đến nay, tôm VietGAP vẫn chỉ bán cho thương lái với giá hàng thường. Người nuôi gặp không ít khó khăn vì đầu tư nuôi theo quy trình VietGAP tốn công và chi phí cao hơn hẳn so với nuôi thường.

Ông Ngô Tấn Tài, Tổ phó Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh Trà Cổ cho biết: “Mục tiêu nông dân tham gia sản xuất theo chuẩn và được cấp chứng nhận VietGAP là để xây dựng thương hiệu và nâng giá trị cho con tôm càng xanh của địa phương. Nhưng gần 2 năm qua, con tôm VietGAP chưa bao giờ bán được với giá hàng sạch, thậm chí còn bị ép giá. Nếu không được hỗ trợ tạo đầu ra cho sản phẩm sạch, người nuôi tôm có lẽ sẽ bỏ VietGAP”.

Hiện nay, nhiều loại trái cây nổi tiếng của Đồng Nai đều được cấp chứng nhận VietGAP như: bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng... chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường. Tiêu biểu như trái chôm chôm Long Khánh vừa được cấp chỉ dẫn địa lý, vừa được xây dựng được vùng chôm chôm VietGAP nhưng hiện chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) chia sẻ: “Từ khi được cấp chứng nhận VietGAP đến nay, hợp tác xã có ký được một số hợp đồng cung cấp hàng vào trung tâm thương mại hoặc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng kênh tiêu thụ chính của chúng tôi vẫn là thương lái và chôm chôm VietGAP không hề được mua với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường”.

* Câu chuyện xây dựng thương hiệu

Các loại nông sản được cấp các chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ… cũng đang gặp bài toán khó về đầu ra. Và nếu chưa có lời giải cho bài toán này thì việc đầu tư ồ ạt để được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đang gây lãng phí. Cụ thể như trái bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) từng được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với mục tiêu xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Nhưng đến nay, đa số nông dân đã bỏ việc tái chứng nhận vì nhà vườn vẫn bán cho thương lái và họ không hề quan tâm đến những loại chứng nhận này.

Ông Võ Văn Vịnh, Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho biết quy trình nhập nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp chặt chẽ. Nội dung được doanh nghiệp quan tâm nhất là nhật ký sản xuất của nông dân, từ khâu xuống giống; loại phân, thuốc và thời điểm sử dụng; thu hoạch như thế nào... Họ luôn lấy mẫu nông sản để kiểm tra và đạt yêu cầu mới nhập hàng.

“Để tránh lãng phí, nông dân không nên đầu tư làm chứng nhận GAP một cách tràn lan. Nông dân chỉ làm khi đã có đơn vị bao tiêu và họ yêu cầu làm chứng nhận. Vì hiện nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính doanh nghiệp cũng không đòi hỏi phải có các chứng nhận GAP, chỉ cần mẫu test (kiểm tra) đạt yêu cầu” - ông Vịnh nói.

Kể câu chuyện sau khi làm chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, dịch vụ Mùa và là chủ của chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi tôi đưa chứng nhận thực phẩm hữu cơ do nông trại sản xuất ra nhiều khách hàng vẫn không tin tưởng. Doanh nghiệp không dễ dàng để sản phẩm làm ra có được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Nhưng việc xây dựng thương hiệu và được khách hàng đón nhận là cả một câu chuyện dài sau đó với cả một quá trình đầu tư dài hơi và tốn kém”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,143,622       4/1,179