Kinh tế

Dồn sức cho nông thôn mới

Đồng Nai không chỉ đi đầu trong xây dựng nông thôn mới mà còn tiên phong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Và nhân tố góp phần quan trọng tạo ra sự thay da đổi thịt của vùng quê chính là người nông dân.

Đường nông thôn không chỉ khang trang mà còn được trồng hoa, thắp sáng. Ảnh chụp tại tuyến đường thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Đường nông thôn không chỉ khang trang mà còn được trồng hoa, thắp sáng. Ảnh chụp tại tuyến đường thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).

Điều này thể hiện rõ nhất trong phong trào chung tay, chung sức làm đường giao thông nông thôn. Những tuyến đường vui thực sự do “dân bàn, dân thực hiện” đang không ngừng được nối dài...

* Những tuyến đường vui

Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) là xã đầu tiên của Đồng Nai về đích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chính sự đồng lòng, chung sức của người dân đã tạo nên bước đột phá cho xã nghèo này. Vì khởi điểm xây dựng nông thôn mới, nông dân của xã chủ yếu là làm ruộng; đường giao thông nông thôn đa số là đường đất, công trình thủy lợi nội đồng còn ít.

Xuân Lộc là huyện đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, địa phương cần một nguồn lực lớn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng huyện không trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà luôn xác định tiếp tục dựa vào sức dân, thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư.

Ông Võ Văn Thành, nông dân sản xuất giỏi tại ấp Hưng Thạnh (xã Hưng Lộc) nhớ lại: “Đây là ấp nghèo, tập trung đông người dân tộc thiểu số nên chuyện đầu tư làm đường chỉ là ước mong. Mùa mưa đến, người dân luôn phải đánh vật với con đường vào ấp dài gần 2km vừa lầy lội, vừa trơn trượt. Người dân phải vất vả tự chở nông sản đi bán vì thương lái ngại con đường dài trắc trở”.

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, có thêm nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ nên người dân đều hồ hởi hiến đất, góp của, góp công làm đường. Việc vận động đóng góp cũng tùy vào sức dân, người khá giả hơn tình nguyện đóng thêm phần cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo...

Chỉ những tuyến đường giao thông được bê tông hóa khang trang, xe tải có thể thoải mái chạy vào tận vườn chở nông sản, ông Bùi Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc nhận xét, nông dân bây giờ không còn lo giá nông sản thấp hơn những vùng khác vì đường sá đi lại khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đang tiếp tục nối dài những tuyến đường bê tông về tận cánh đồng, xóm ấp.

Không giấu được sự hồ hởi khi gia đình và bà con lối xóm được đi lại trên con đường khang trang, sạch đẹp, ông Lang Văn Út, nông dân tại xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) tâm sự: “Lúc đầu vận động dân đóng góp làm đường cũng gặp khó khăn vì họ nghĩ đây là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng chính lợi ích của những con đường khang trang khi đưa vào sử dụng đã thuyết phục họ. Theo đó, mọi người, mọi nhà cùng tham gia, người có đất hiến đất, người góp của, người bỏ công…”. Cũng chính người dân tự nguyện đóng tiền lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, bỏ công trồng hoa, phân công quét dọn hàng ngày giữ cho đường sá luôn sạch, đẹp.

* Dựa vào sức dân

Không dừng lại, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiếp tục nối dài những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. 

Nói về sự đồng sức, đồng lòng của nông dân trong xây dựng hậu nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu - người có uy tín trong công tác vận động nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới - cho biết: “Nông dân huyện đã hiến gần 92 ngàn m2 đất với số tiền trên 65 tỷ đồng; 7.697 ngày công để xây dựng và sửa chữa các tuyến đường giao thông. Không chỉ làm đường, nông dân cũng ngày càng quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan nông thôn”.

Cụ thể, nông dân đã đóng góp 140 triệu đồng để đặt 175 ống cống chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên toàn huyện; cuộc thi “Sáng, xanh, sạch, đẹp” do huyện phát động cũng được nông dân tích cực hưởng ứng bằng những mô hình, việc làm thiết thực.

Những tuyến đường do “dân bàn, dân thực hiện” được đổ bê tông dài cả cây số chỉ tốn kinh phí vài trăm triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Long Khánh cho biết: “Những tuyến đường vào ấp, xóm chủ yếu là do nông dân tự đầu tư. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cấp Hội Nông dân thị xã đã trực tiếp vận động làm được gần 63km đường giao thông, gần 23km kênh mương, 17 công trình sáng - xanh - sạch - đẹp do nông dân tự quản”.

Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm qua, nông dân đã đóng góp tổng số tiền xây dựng hạ tầng nông thôn mới trên 500 tỷ đồng; 104.389 công lao động, hiến 809.333m2 đất. Theo đó, 1.963km đường giao thông nông thôn được làm mới và sửa chữa; kiên cố và nạo vét 605km kênh mương nội đồng; sửa chữa và làm mới 192 công trình điện, 693 cầu cống và 883 phòng học, trạm xá và 96 công trình phúc lợi khác...Nông dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,139,511       3/1,185