Kinh tế

Sản xuất bao giờ thoát tính "phong trào"?

Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển các dự án cánh đồng lớn, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững. Đây được coi là giải pháp căn cơ để trong cơ cấu lại sản xuất theo đúng quy hoạch đề ra.

Nông dân đua nhau trồng sầu riêng vì cây trồng này đang đứng tốp đầu về lợi nhuận. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại huyện Xuân Lộc.
Nông dân đua nhau trồng sầu riêng vì cây trồng này đang đứng tốp đầu về lợi nhuận. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại huyện Xuân Lộc.

Tuy nhiên trong thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “chặt trồng - trồng chặt”. Nông dân vẫn chạy theo phong trào trong sản xuất dẫn đến nhiều chuỗi liên kết thiếu bền vững.

* Hệ lụy từ những “cơn sốt” giá

Nhiều tháng trở lại đây, “cơn sốt” cây giống sầu riêng vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện ở nhiều vùng nông dân sẵn sàng trả đến 200 ngàn đồng/cây giống, cao gần gấp 3 so với thời điểm chưa “sốt” giá. Nông dân đang đua nhau trồng sầu riêng do vài vụ mùa gần đây, trái sầu riêng luôn bán được với giá cao.

Với các loại cây ăn trái, mùa cao điểm thu hoạch thường tập trung trong vòng 1-2 tháng nên gặp rất nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ. Vì thế nông dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản để giải bài toán đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Phượng, nông dân sản xuất giỏi tại xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Trang trại tôi đang tập trung phát triển cây sầu riêng. Tôi cũng không nắm chắc thời gian tới giá sầu riêng sẽ ra sao mà chỉ biết chọn cây trồng đang cho thu nhập cao để thay đổi. Tôi tham gia không ít chương trình kết nối thị trường, xây dựng chuỗi liên kết nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải cho khó khăn lớn nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là đầu ra thiếu bền vững”.

Trước đó, trang trại của bà Phượng chủ yếu trồng cây tiêu cũng vì cây trồng này có giá tốt. Là nông dân trồng tiêu giỏi tại địa phương, tiên phong dùng các giải pháp sinh học, hữu cơ để giữ vườn tiêu tránh được dịch bệnh, cho năng suất cao mà giảm chi phí đầu tư, nhưng bà Phượng vẫn không thể kiên trì giữ lại vườn tiêu vì mặt hàng này rớt giá suốt thời gian dài và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Câu chuyện của bà Phượng cũng là khó khăn chung nhiều nông dân từng gặp phải. Ông Phạm Công Hoan, nông dân trồng cam, quýt tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Trước đây, cam, quýt cho lợi nhuận khá cao. Nhưng khi vùng này ồ ạt trồng cây có múi, nguồn cung dồi dào nên có những mùa cam, quýt rơi vào cảnh rớt giá. Một số nông dân lại nghĩ đến việc chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng đang cho lợi nhuận hàng tỷ đồng”.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp vẫn luẩn quẩn quanh câu chuyện “chặt - trồng, trồng - chặt”. Nông dân hết ồ ạt đua nhau trồng tiêu rồi lại chặt tiêu trồng cây có múi, rồi trồng sầu riêng... đều vì chạy theo những “cơn sốt” giá.  

* Liên kết dễ lung lay

Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu quan tâm đến năng suất, sản lượng nên chỉ chú trọng thâm canh, tăng vụ mà chưa chú trọng nhiều đến chất lượng. Chính từ nhận thức đó khiến nông dân vẫn chạy theo phong trào trong sản xuất, sẵn sàng phá vỡ liên kết vì lợi nhuận trước mắt.

Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) là một trong những đơn vị tham gia vào chuỗi liên kết cánh đồng lớn cây ca cao. Dự án này từng được đánh giá cao vì đã xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt hơn ngoài thị trường.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất: “Nông dân trồng ca cao đang giảm dần diện tích cây trồng này để chuyển sang trồng cây sầu riêng và cây có múi. Vì tuy có doanh nghiệp bao tiêu với đầu ra bền vững nhưng khi so về lợi nhuận với các cây trồng trên vẫn thấp hơn rất nhiều nên nông dân đang đua nhau chuyển đổi”.

Cùng nỗi lo trên, bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) cho biết: “Tôi từng tiếp rất nhiều đối tác có nhu cầu xuất khẩu trái xoài Đồng Nai đi Nhật, đi Úc. Tôi vận động nông dân tham gia tổ hợp tác trái cây an toàn với mục tiêu tham gia thị trường xuất khẩu”.

Nhưng đến nay, trái xoài vẫn chưa tham gia được thị trường xuất khẩu, vì theo bà Mai nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, ngại chuyển đổi sang sản xuất an toàn vì nó đòi hỏi quy trình sản xuất khó khăn hơn mà năng suất thường không cao bằng thói quen sản xuất lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật...

Chỉ ra khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân khi xây dựng các dự án cánh đồng lớn, ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh cho rằng: “Hiện Long Khánh có mười mấy dự án cánh đồng lớn nhưng chưa nhiều dự án tiếp cận được gói hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến đa số doanh nghiệp chưa muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,134,368       1/828