Kinh tế

Thị trấn đầu mối giao thông vùng

Từ ngày 1-7, thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 694/NQ- UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dầu Giây được xem là thị trấn tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch của quốc gia và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TIN LIÊN QUAN

Trung tâm hành chính huyện Thống Nhất nằm trong thị trấn Dầu Giây. Ảnh : TIẾN THỤ
Trung tâm hành chính huyện Thống Nhất nằm trong thị trấn Dầu Giây. Ảnh : TIẾN THỤ

Theo UBND huyện Thống Nhất, thị trấn Dầu Giây có diện tích tự nhiên khoảng 14,14km2, dân số trên 23,3 ngàn người.

* Điều chỉnh để phù hợp

Để thành lập thị trấn Dầu Giây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh địa giới hành chính của 4 xã là: Xuân Thạnh, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Quang Trung. Trong đó, điều chỉnh một phần diện tích của xã Xuân Thạnh về xã Bàu Hàm 2, xã Hưng Lộc và một phần xã Bàu Hàm 2 về Xuân Thạnh. Theo đó, xã Xuân Thạnh cũ có diện tích khoảng 32,31km2, sau khi điều chỉnh để thành lập thị trấn chỉ còn gần một nửa diện tích so với trước đây. Thị trấn sẽ có 4 ấp chuyển thành khu phố là Lập Thành, Trần Hưng Đạo (thuộc xã Xuân Thạnh trước đây) và Phan Bội Châu, Trần Cao Vân (thuộc xã Bàu Hàm 2 trước đây). Phía Đông, Bắc giáp với xã Bàu Hàm 2 và phía Tây, Nam giáp xã Hưng Lộc.

Sau khi thành lập thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất có 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 9 xã và 1 thị trấn.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Dầu Giây cho biết: “Tất cả các tiêu chuẩn để thành lập thị trấn theo quy định của Quốc hội, Dầu Giây đều đạt và vượt. Cụ thể, quy mô dân số của thị trấn từ 8 ngàn người trở lên thì thị trấn Dầu Giây cao gấp gần 3 lần. Bên cạnh đó, diện tích tự nhiên của thị trấn cũng vượt quy định, cơ cấu kinh tế - xã hội đạt”.

Từ năm 2017, thu ngân sách nhà nước của thị trấn Dầu Giây đã cao hơn chi ngân sách nên có thể tự cân đối được thu chi ngân sách. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của thị trấn Dầu Giây là gần 74%, nông nghiệp 26%. Việc thành lập thị trấn Dầu Giây sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển hơn và phù hợp với nguyện vọng của người dân. 

Ông Nguyễn Văn Huy, khu phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Dầu Giây bày tỏ: “Tôi và người dân ở đây mong khi chuyển từ mô hình quản lý cấp xã lên cấp thị trấn, việc giải quyết thủ tục hồ sơ cho dân nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ được ưu tiên kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khang trang để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh”. Bên cạnh đó, nhiều người dân trên địa bàn thị trấn cũng mong muốn tới đây, các dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp sẽ phát triển hơn, góp phần tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao, ổn định cho lao động trên địa bàn.

Trung tâm hành chính huyện được treo cờ rực rỡ
Trung tâm hành chính huyện được treo cờ rực rỡ

UBND huyện Thống Nhất đặt mục tiêu sẽ phát triển thị trấn Dầu Giây thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Từng bước trở thành đô thị dịch vụ cho các khu công nghiệp và giao thông quá cảnh.

* Cửa ngõ giao thông vùng

Thị trấn Dầu Giây được xem là đô thị “cửa ngõ” giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bởi có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tới đây, Dầu Giây sẽ có thêm các tuyến đường quan trọng của khu vực phía Nam là cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết. Khi các tuyến cao tốc trên hoàn thành sẽ giúp cho thị trấn Dầu Giây cũng như huyện Thống Nhất có thể tăng tốc để phát triển.

Trung tâm hành chính huyện nhìn từ trên cao
Trung tâm hành chính huyện nhìn từ trên cao

Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: “Thị trấn Dầu Giây là nơi hội tụ các đầu mối giao thông quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Nam Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ nên khá thuận lợi trong thu hút đầu tư từ bên ngoài để hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch sinh thái, chợ đầu mối nông sản thực phẩm cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ”. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Dầu Giây đạt trên 52 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh các lợi thế khi trở thành thị trấn thì cũng tồn tại một số hạn chế như: thay đổi giấy tờ tùy thân, biển số nhà, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan. Trong thời gian tới, dân số thị trấn sẽ tăng nhanh, gây áp lực cho quản lý hành chính, an ninh trật tự, giải quyết việc làm...

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: “Đồng Nai đã xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây tại địa điểm rất thuận lợi về giao thông. Trong tương lai, đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản cho tỉnh mà có thể trở thành chợ đầu mối cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Hiện tỉnh đã phê duyệt cho chủ đầu tư triển khai giai đoạn 2 của chợ đầu mối, rộng gần 50 hécta. Dự tính sẽ có kho lạnh, khu bán thực phẩm tươi sống và đây sẽ là chợ đầu mối bài bản và lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Nếu chợ đầu mối Dầu Giây phát triển sẽ mở rộng thương mại, dịch vụ của thị trấn.

Với lợi thế là thị trấn cửa ngõ giao thông vùng kinh tế trọng điểm, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tăng nhanh, kinh tế tăng trưởng mạnh, kéo theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động sẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần lao động nông nghiệp, đúng với định hướng huyện, tỉnh đề ra.

Hiện trên địa bàn thị trấn đã có Khu công nghiệp Dầu Giây. Gần đây hạ tầng giao thông phát triển, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tăng nhanh, chủ đầu tư hạ tầng đang đề xuất mở rộng khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào. Thị trấn Dầu Giây sẽ là “đầu tàu” kéo các vùng lân cận phát triển theo.

Như vậy sau gần 16 năm thành lập, huyện Thống Nhất đã chính thức có thị trấn. Huyện, thị trấn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, từ ngày 1-7-2019 chính thức sử dụng con dấu thị trấn và tạo điều kiện giải quyết những vướng mắc cho người dân trên địa bàn.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,127,301       2/828