Kinh tế

Mong muốn người tiêu dùng biết đến thương hiệu Lothamilk

Lothamilk là một trong những thương hiệu của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm qua. Trong 2 năm qua, Lothamilk còn được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập.

Bà Chu Hải Yến
Bà Chu Hải Yến

Dưới góc nhìn của mình, bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính - đầu tư của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ những câu chuyện xung quanh việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối sang công ty cổ phần có vốn tư nhân hóa và câu chuyện về xây dựng thương hiệu địa phương khi vươn ra biển lớn.

Bà Yến cũng là thành viên trẻ nhất trong ban giám đốc của Lothamilk từ trước đến nay khi mới 42 tuổi. Bà từng trải qua các chức danh liên quan đến quản lý tài chính tại nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, nhà hàng - khách sạn, bảo hiểm...

* Trước khi “đánh trận xa” thì nội bộ phải vững

* Thưa bà, đến nay, thương hiệu Lothamilk đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, công ty đã có những bước đi như thế nào?

- Tiền thân của công ty là Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai, chính thức được thành lập từ ngày 12-8-1997. Một trong những hoạt động đầu tiên của Lothamilk là sản xuất, chế biến sữa tươi thanh trùng phục vụ các trạm dừng chân. Năm 2008, Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai với vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển đổi mô hình kinh doanh thành Công ty cổ phần Lothamilk với nhãn hiệu sữa tươi thanh trùng Lothamilk.

Đến năm 2015, Lothamilk đã chuyển sang hoạt động với 100% vốn đầu tư trong nước. Cuối năm 2018, công ty chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa theo công nghệ châu Âu ở Tam Phước (TP.Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 400 tỷ đồng. Diện tích khuôn viên nhà máy khoảng 4 hécta, trong đó hơn 1 hécta dành cho xưởng chế biến, khu phụ trợ, nhà văn phòng... với công suất giai đoạn 1 đạt gần 30 ngàn tấn sữa/năm.

Hiện nay, công ty đưa ra thị trường các dòng sản phẩm chủ lực bao gồm: sữa tươi thanh trùng và tiệt trùng, sữa chua uống, sữa chua thanh trùng... Ngoài ra, còn có các loại bánh sữa nguyên chất với nhiều hương vị và mẫu mã bao bì. Sản phẩm của Lothamilk đã cung Bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lothamilk: Mong muốn người tiêu dùng biết đến thương hiệu Lothamilk cấp đến các địa phương trên cả nước, nhất là khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tạo thị phần ổn định.

* Là người từng trải qua hơn 10 năm làm CFO (giám đốc tài chính) ở nhiều công ty trong và ngoài nước trước khi về “đầu quân” cho Lothamilk, theo bà, vấn đề Lothamilk cần ưu tiên nhất trong quá trình chuyển sang mô hình hoạt động mới theo hướng cổ phần với 100% vốn đầu tư trong nước là gì?

- Quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của Lothamilk trải qua nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, hệ thống quản trị nội bộ, phương hướng phát triển, phát triển nguồn nguyên liệu, xây dựng thương hiệu nhưng vẫn đảm bảo những giá trị về chất lượng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của công ty.

Ở nhiều công ty mà tôi từng làm việc nói chung và ở Lothamilk nói riêng, song song với việc đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm thì việc xây dựng hệ thống quản trị nội bộ là ưu tiên hàng đầu. Rồi từ đó mới nghĩ đến câu chuyện phát triển doanh thu, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao nguồn lợi nhuận...

“Muốn đánh trận xa thì trước hết trong nhà phải yên”, một khi công ty xây dựng được hệ thống quản trị nội bộ tốt sẽ kéo theo việc quản trị tài chính, hạn chế thất thoát, sự cồng kềnh trong bộ máy hoạt động, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp... Từ đó, làm tiền đề để công ty phát triển tốt và bền vững trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay.

* Xây dựng thương hiệu hội nhập

* Trải qua hơn 20 năm phát triển, sản phẩm của Lothamilk đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Vậy điều gì làm nên chất lượng sản phẩm của công ty?

- Đó là cam kết về chất lượng, bắt đầu từ những sản phẩm sữa tươi thanh trùng đã làm nên thương hiệu từ lâu đến việc phát triển thêm các dòng sản phẩm sau này như: sữa tươi tiệt trùng, sữa chua... Công ty hiện chưa thể xây dựng riêng một hệ thống chăn nuôi bò tập trung đủ lớn để cung ứng nguồn sữa cho công ty do điều kiện về nguồn vốn.

Tuy nhiên, Lothamilk đã xây dựng được cho mình các vùng nguyên liệu ở Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), Long An, Sóc Trăng, Lâm Đồng... theo các tiêu chuẩn, yêu cầu riêng về độ béo, độ khô, hàm lượng vi sinh... để giữ nguyên hương vị sản phẩm, đảm bảo sản phẩm sạch, tươi, giá cả phù hợp. Đồng thời, Lothamilk cũng đã hình thành các trạm thu mua, kiểm duyệt chất lượng đầu vào nghiêm ngặt dọc theo các vùng nguyên liệu để vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng của công ty vừa giúp người chăn nuôi yên tâm về khâu tiêu thụ cũng như xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp, khép kín.

* Là doanh nghiệp của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất để người Việt Nam ngày càng tin dùng sản phẩm Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng?

- Lothamilk nằm trong số các doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong 5 năm liên tiếp gần đây. Năm ngoái, Lothamilk cũng vinh dự nhận được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập thông qua cuộc bình chọn của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội để người tiêu dùng biết đến Lothamilk.

Đây đồng thời là thách thức để công ty tiếp tục hướng đến sản phẩm tiêu dùng chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tiêu chí mà công ty luôn chú trọng hướng tới là sạch, ngon, tiện lợi và giá cả phù hợp. Trong đó, yếu tố về chất lượng vẫn là tôn chỉ hàng đầu, mang tính sống còn đối với một doanh nghiệp địa phương như Lothamilk.

Hệ thống phân phối tiện lợi để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng là yêu cầu hiện nay của thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp sữa ở địa phương phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu sữa lớn ở trong nước và cả những nhãn hiệu sữa ở nước ngoài.

* Một doanh nghiệp địa phương như Lothamilk gặp những thuận lợi và khó khăn ra sao khi cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thị trường?

- Lợi thế đầu tiên là ở phân khúc sản phẩm sữa tươi thanh trùng. Đây là những sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn nên các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài ít chú ý trong phát triển. Hơn nữa, những sản phẩm này thường mang tính đặc trưng của địa phương cao.

Quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng tại nhà máy sữa của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa).
Quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng tại nhà máy sữa của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa).

Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu theo hướng bền vững thì các doanh nghiệp địa phương như Lothamilk cần hướng tới việc cung cấp thêm các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng có thời gian bảo quản lâu hơn. Đây chính là phân khúc cạnh trạnh khốc liệt nhất trên thị trường hiện nay. Các doanh nghiệp hiện đang “chạy đua” xây dựng dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí đầu tư cao, trong khi thị phần có sự cạnh tranh gắt gao.

Một khó khăn nữa là tâm lý của phần đông người tiêu dùng vẫn còn chưa rõ khi phân biệt các loại sữa như: sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng... nên đòi hỏi các doanh nghiệp có những hình thức truyền thông phù hợp, nhạy bén. Điều này thì các doanh nghiệp lớn có điều kiện về vốn sẽ có nhiều lợi thế hơn.

* Xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ vững được thế mạnh của thương hiệu còn khó hơn. Công ty hướng tới chiến lược phát triển thương hiệu như thế nào trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, hội nhập như hiện nay?

- Theo khảo sát của công ty, nhu cầu tiêu thụ sữa ở trong nước vẫn thấp hơn mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Do đó, nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước tăng bình quân 6%/năm. Điều này tạo thuận lợi khi phát triển thị phần dành cho doanh nghiệp sữa trong nước nói chung và doanh nghiệp địa phương như Lothamilk nói riêng.

Công ty phấn đấu nâng tầm thương hiệu, không còn gói gọn mang tính địa phương nữa mà hướng tới thương hiệu mang tính quốc gia, được nhiều người biết đến. Trong đó, công ty đang tập trung xây dựng bộ nhận diện gắn liền thương hiệu Lothamilk bởi cái tên sẽ mang tính bao hàm, hội nhập và có độ phủ sóng rộng hơn để dần thay thế cho danh xưng sữa tươi Long Thành vốn mang tính địa phương nhiều hơn.

Công ty mong muốn khi nói đến sữa tươi Long Thành là người tiêu dùng nhắc đến Lothamilk chứ không còn đơn thuần là tên gọi các sản phẩm quà tặng, các trạm dừng chân...

* Kế hoạch trong tương lai gần của Lothamilk là gì?

- Lothamilk sẽ tiếp tục đảm bảo các giá trị chất lượng đã cam kết, tiến hành tái cấu trúc, hoàn thiện xây dựng hệ thống nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu giai đoạn 2, nâng công suất hoạt động lên 90 ngàn tấn/năm. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra thị trường các dòng sản phẩm, hương vị mới và phát triển, đa dạng các kênh phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tôi tin tưởng, mong muốn công ty tiếp tục việc xây dựng hệ thống phân phối trên tất cả các kênh trên toàn quốc, đa dạng sản phẩm (sữa các loại, sữa chua, bánh kẹo...) phấn đấu nằm trong tốp 5 công ty về sữa bò tươi nguyên chất, các sản phẩm liên quan về bò sữa hàng đầu tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.

Xin cảm ơn bà!

Hải Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,828       7/824