Kinh tế

Nỗ lực xử lý rác thải sinh hoạt

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến cuối năm 2019, tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chỉ còn 30% trở xuống. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt vẫn còn 43%.

Xử lý rác sinh hoạt thành phân bón tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)
Xử lý rác sinh hoạt thành phân bón tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)

Vì thế, tỉnh cùng với các doanh nghiệp xử lý rác đang gấp rút triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt theo đúng chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.

* Giải pháp tạm thời

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thu gom hơn 1.800 tấn rác sinh hoạt. Trong số rác thu gom được có 57% được xử lý theo hình thức làm phân bón, đốt và 43% chôn lấp hợp vệ sinh.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (chủ đầu tư Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung) cho biết, công suất xử lý rác sinh hoạt thành phân bón của công ty có thể đạt 1.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, muốn công ty sản xuất đạt công suất trên, các cơ quan chức năng phải sớm có kiểm tra, đánh giá và chấp thuận. Song ông Dũng cũng băn khoăn việc đưa lượng rác quá lớn từ xa về có thể phát sinh mùi hôi.

Hiện nay, rác sinh hoạt được đưa về Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), Khu xử lý chất thải Túc Trưng (huyện Định Quán), Khu xử lý Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu)... để xử lý. Trong đó, chỉ có Khu xử lý rác tại các xã Quang Trung và Túc Trưng phân loại rác sinh hoạt làm phân bón, còn những khu khác chủ yếu là đốt. Nơi tập trung xử lý rác lớn nhất là tại xã Quang Trung với gần 800 tấn/ngày.

Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho hay: “Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung đang xử lý rác sinh hoạt cho 7 địa phương trong tỉnh. Rác đưa về đây xử lý làm phân bón, tỷ lệ chôn lấp 10-12%. Công suất của nhà máy này có thể đạt 1.200 tấn/ngày nên có thể đưa rác sinh hoạt về đây xử lý để giảm tỷ lệ chôn lấp”. Ngoài ra, còn 4 khu xử lý chất thải khác cũng chưa hoạt động hết công suất là Tây Hòa, Túc Trưng, Xuân Mỹ, Xuân Tâm. Trường hợp các đơn vị trên tiếp nhận, hoạt động đúng theo công suất thì tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt còn 30%.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn, chủ đầu tư một số khu xử lý chất thải chưa mặn mà với việc tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt để giảm tỷ lệ chôn lấp.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư những khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh chưa sử dụng hết công suất để đốt, làm phân bón rác sinh hoạt là “ngại” đơn giá xử lý rác còn thấp hoặc địa phương còn nợ tiền xử lý rác chưa thanh toán hết khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho biết: “Do các huyện còn nợ tiền xử lý rác sinh hoạt khá lớn nên một số doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp nhận rác và xử lý đúng công suất. Vì thế, các huyện nên thanh toán tiền xử lý rác cho các doanh nghiệp để họ nâng công suất và dồn lực sản xuất giảm tỷ lệ chôn lấp rác”.

Đại diện Công ty TNHH Tài Tiến (chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Tây Hòa) cho biết, từ năm 2017 đến nay, tiền xử lý rác của công ty là hơn 100 tỷ đồng chưa được huyện Trảng Bom, tỉnh thanh toán nên công ty không còn đủ khả năng tài chính để tiếp nhận xử lý rác. Nếu số tiền nợ trên được thanh toán ngay, công ty có thể nâng công suất xử lý rác lên 130 tấn/ngày.

Tuy nhiên, rác sinh hoạt dồn vào một số khu xử lý để đạt tỷ lệ chôn lấp từ 30% trở xuống chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi rác sinh hoạt từ các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Tân Phú, TP.Biên Hòa đưa về tận huyện Thống Nhất xử lý, quá trình vận chuyển xa có thể phát sinh ô nhiễm.

* Chạy đua cùng thời gian

Thời gian còn lại khoảng 5 tháng, ngoài việc giảm tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt xuống cho đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, các địa phương phải tăng tỷ lệ thu gom rác đạt 99% theo nghị quyết. Hiện tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt đạt 98,1%, như vậy trong thời gian tới những địa phương có lượng rác thu gom chưa đạt là: Vĩnh Cửu, Long Thành, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc phải có giải pháp nâng tỷ lệ thu gom.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, thủ tục để thực hiện các nhà máy xử lý rác thành phân bón, điện còn rườm rà, mất nhiều thời gian nên có một số dự án chậm so với tiến độ đề ra. Cụ thể, Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã có những dự án đầu tư xử lý rác thành phân bón, điện nhưng vẫn đang trong thời gian làm thủ tục.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương giải quyết ngay những tồn đọng nợ tiền rác để các doanh nghiệp nâng công suất xử lý rác, đồng thời có biện pháp thu gom rác sinh hoạt đạt tỷ lệ 99% trở lên. “Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ chủ đầu tư các khu xử lý chất thải hoàn thành nhanh những thủ tục pháp lý để đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động, đạt mục tiêu đề ra” - ông Chánh nhấn mạnh.

Xử lý rác sinh hoạt là một trong số ít chỉ tiêu nghị quyết không đạt trong 2 năm nay. Do đó, tỉnh, các địa phương đang dồn lực để cuối năm 2019 có thể đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,120,031       2/1,015