Kinh tế

Cần tiếp sức cho nông dân

Nhiều loại nông sản chủ lực của Đồng Nai xuất khẩu tốt, trong đó có mặt hàng trái cây. Tỉnh đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (bìa trái) thăm khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (bìa trái) thăm khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Nâng chất đời sống nông dân là mục tiêu lớn nhất của Đồng Nai trong phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

* Thay đổi từ trên cánh đồng

Theo TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn, cần xây được những hợp tác xã kiểu mới, năng động. Từ đó, các hợp tác xã mới phát huy được vai trò làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước trong mục tiêu sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nông sản...Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định vì muốn đổi mới hợp tác xã trước tiên cần có đội ngũ lãnh đạo có hiểu biết, tư duy, hành động của một doanh nhân.

Năm 2018, Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) đi tiên phong đầu tư cánh đồng lớn trong trồng giống chuối cấy mô và xuất khẩu rất tốt mặt hàng này vào thị trường Hàn Quốc. Đây là mô hình hợp tác xã kiểu mới năng động, nhạy bén, hoạt động như doanh nghiệp. Hợp tác xã đã liên kết được nhiều xã viên nông dân lại cùng nhau tìm cơ hội phát triển bền vững cho nông sản địa phương.

Giám đốc Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến, ông Phạm Thanh Đồng chia sẻ: “Chúng tôi đưa khách về tận cánh đồng, biết rõ yêu cầu của khách từ tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức sản phẩm cho đến khâu thu hoạch, đóng gói... Nhờ vậy, chúng tôi xuất khẩu rất tốt ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên”.

Như vậy, nông dân là những người đầu tiên phải chủ động thay đổi thói quen sản xuất an toàn từ trên cánh đồng và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra. Sự thay đổi tích cực này thể hiện khá rõ khi nông dân ngày càng quan tâm tham gia các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, các dự án cánh đồng mẫu lớn…

Hiện toàn tỉnh đã có 19 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta với hơn 6 ngàn hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, có 56 chuỗi liên kết được các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân chủ động thực hiện. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản đã tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu như: thịt gà được xuất khẩu đi Nhật Bản; sản phẩm chế biến từ trái ca cao xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản… Mục tiêu của các dự án cánh đồng lớn và chuỗi liên kết trên không chỉ nhằm xây dựng được thương hiệu cho nông sản địa phương trên thị trường nội địa, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu tốt đi các nước.

* “Bệ đỡ” từ chính sách

Để nông dân bước vào sân chơi quốc tế và phát triển bền vững cần sự vào cuộc của Nhà nước bằng chính sách hỗ trợ thiết thực về đất đai, nguồn vốn; ứng dụng khoa học - công nghệ mới để hạ giá thành sản xuất; tiếp sức về thị trường đầu ra…

Nói về sự thiết thực mà chính sách Nhà nước có thể hỗ trợ để hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp trong nước, TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng Nhà nước cần đầu tư những máy móc, thiết bị hiện đại giá trị lớn vượt quá khả năng của nông dân.

Thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán khi tham gia dự án cánh đồng lớn trồng cây ca cao tăng lên nhiều so với trồng chuyên cây điều
Thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán khi tham gia dự án cánh đồng lớn trồng cây ca cao tăng lên nhiều so với trồng chuyên cây điều

Trong đó, kết nối dịch vụ cơ giới hóa là một giải pháp khả thi để đưa máy móc thay thế con người cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ví dụ, ở Ấn Độ, Nhà nước đầu tư mua những máy móc trị giá lớn, họ kết nối mạng giới thiệu những dịch vụ nông nghiệp để nông dân liên hệ thuê về sử dụng. Tư nhân cũng có thể tham gia đầu tư máy móc, dịch vụ nông nghiệp.

“Ở góc độ địa phương, các tỉnh nên xây dựng những trung tâm công nghệ thông tin để kết nối với nông dân, thậm chí đây là cầu nối giữa nông dân với thị trường nông sản thế giới. Có kênh thông tin này, nông dân gặp sự cố như: mua phải thuốc, phân kém chất lượng, họ phản hồi ngay, rộng rãi ra cộng đồng thì không ai dám làm sai vì sẽ không bán được hàng” - TS.Lê Quý Kha gợi ý.

Ở góc nhìn khác, ông Vy Đức Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ chuối xuất khẩu Tân Thành (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) lại cho biết: “Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng trái cây, cần xây dựng được những vùng chuyên canh được đầu tư với diện tích lớn, chất lượng đồng đều. Ở đây Nhà nước phải có chính sách đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: đường, điện, nguồn nước sản xuất…”.

Theo ông Vy Đức Hiền, những yêu cầu về thay đổi quy trình sản xuất, nâng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì nông dân đều có thể làm được. Nhưng việc thu hút doanh nghiệp về lập xưởng sơ chế, chế biến nông sản, phát triển thị trường… rất cần những chính sách ưu đãi thiết thực từ phía chính quyền địa phương.

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,114,603       47/1,062