Kinh tế

Lũ ngập sâu, hơn 1,7 ngàn hộ dân phải sơ tán khẩn cấp

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai đến hơn 20 giờ ngày 9-8, tại địa bàn hai huyện Tân Phú và Định Quán tiếp tục có mưa lớn, gây ngập sâu hàng trăm nhà dân, tài sản, cây cối và một số tuyến đường giao thông bị tê liệt. Ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) có khoảng 800 hộ dân bị cô lập trong lũ.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai đến hơn 20 giờ ngày 9-8, tại địa bàn hai huyện Tân Phú và Định Quán tiếp tục có mưa lớn, gây ngập sâu hàng trăm nhà dân, tài sản, cây cối và một số tuyến đường giao thông bị tê liệt. Ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) có khoảng 800 hộ dân bị cô lập trong lũ.

Nhiều căn nhà ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) chìm sâu trong nước
Nhiều căn nhà ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú) chìm sâu trong nước

* Hàng trăm căn nhà bị ngập sâu hơn 1m

Do mưa lớn kéo dài kèm theo xả lũ của Thủy điện Đồng Nai 5, Thủy điện Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã làm nước sông Đồng Nai dâng cao gây ngập lụt tại các xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua, Phú Thịnh, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) và các xã Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán).

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tân Phú, tổng diện tích bị ngập lụt trên địa bàn huyện khoảng 1,8 ngàn hécta. Số hộ dự kiến di dời khoảng hơn 1,7 ngàn hộ (đã di dời 655 hộ về nơi an toàn, số hộ còn lại đang tiếp tục di dời). Đợt ngập lụt khiến hàng trăm căn nhà bị ngập sâu hơn 1m, làm chết gần 120 ngàn con gà, 1 con bò và 41 bè cá bị cuốn trôi. Đặc biệt, tại xã Phú Thịnh đã có một người dân bị nước cuốn trôi, hiện lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) di dời tài sản tránh lũ. Ảnh: T.TÂM
Lực lượng chức năng giúp người dân xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) di dời tài sản tránh lũ. Ảnh: T.TÂM

Tại huyện Định Quán, có 4 xã bị thiệt hại do nước lũ dâng cao gồm: Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định. Trong đó có 32 căn nhà bị ngập; 1 phà chở cám bị trôi làm mất 200 bao cám; 50 dèo, 2 bè của 12 hộ nuôi cá bè với gần 620 tấn cá các loại bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên; 2 tấn tiêu bị ướt; 16 hécta bưởi, xoài bị ngập.

Có tình trạng rất nguy hiểm là người dân vì lo mất tài sản và tiếc của nên quay lại nhà để tìm kiếm tài sản trong mưa lũ. Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Phú đề nghị người dân thường xuyên cập nhật thông tin phòng chống lụt bão của chính quyền địa phương và chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan chức năng, lực lượng cứu nạn,
cứu hộ.

* Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp dân

Ngay khi lũ tràn về, UBND hai huyện Định Quán và Tân Phú đã huy động lực lượng công an, quân sự địa phương có mặt kịp thời, tổ chức ứng cứu giúp bà con di dời tài sản đến nơi an toàn, đồng thời sẵn sàng sơ tán người dân để đảm bảo an toàn khi lũ lên cao.

Lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) chuyển về nơi an toàn
Lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) chuyển về nơi an toàn

Ngoài các ca-nô, thuyền bè có sẵn tại địa phương, Công an tỉnh đã điều động 2 ca-nô, các phương tiện cứu nạn, cứu hộ và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống hai địa bàn để giúp dân di dời tài sản và tổ chức trực chiến ứng cứu khi có sự việc xảy ra.

Tối qua, mưa lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra và nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất vẫn thường trực. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, các địa phương huy động mọi lực lượng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão lũ giúp dân. Điện lực Định Quán đã tổ chức cắt điện ở 13 trạm biến áp. Ngoài ra, ngành điện lực cũng đã xử lý nâng 19 điện kế để đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn.

Điện lực Định Quán cũng đã kiểm tra tất cả các điện kế trong khu vực, cử người chốt trực và phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ của địa phương để kịp thời xử lý sự cố; đồng thời tuyên truyền an toàn sử dụng điện trong các khu vực ngập nước.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do sự cố kẹt cửa van tại công trình Hồ thủy điện Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đang thi công và ảnh hưởng của mưa lũ nên nước đã tràn đập, gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập. Điều này đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai. Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải thông báo cho người dân biết về sự cố và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

         Tố Tâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,114,382       45/1,128