Kinh tế

Đồng Nai nên xây dựng bản đồ di sản riêng

PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội có gần 17 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và hỗ trợ một số tỉnh, thành triển khai các dự án về du lịch, kinh tế, xã hội. Nhiều nghiên cứu của ông ứng dụng vào thực tế đem lại thành tựu đáng kể. Theo ông, Đồng Nai là nơi có rất nhiều di tích, có thể kết nối để phát triển du lịch một cách lâu dài, căn cơ.

PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc
PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc

Trong gần 2 thập niên làm công tác nghiên cứu PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc đã viết sách, tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến.

* Chọn Biên Hòa là thành phố di sản

*  Hiện nay, ông đang hỗ trợ triển khai dự án phát triển kinh tế dựa vào di sản tại Đồng Nai, dự án này sẽ đem lại những lợi ích gì?

- Với lợi thế về địa lý, khí hậu nên từ xa xưa Đồng Nai là nơi hội tụ của nhiều dòng di cư khác nhau. Điều này đã tạo ra những di sản văn hóa và di sản đô thị theo tự nhiên. Tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị lớn gồm: di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh.

Trong đó, có những di tích ấn tượng là chùa Đại Giác ở phường Hiệp Hòa, Đình thần Tân Lân tại phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa), Mộ cổ Hàng Gòn (TP.Long Khánh)... Các di tích, danh lam thắng cảnh nếu biết kết nối làm du lịch sẽ góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, TP.Biên hòa là nơi tập trung khá nhiều di tích lịch sử và văn hóa rất thuận lợi để kết nối phát triển du lịch. Lợi ích đem lại là có thể bảo tồn, tôn vinh những di sản, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho người dân trên địa bàn và ngân sách nhà nước.

* Ông từng đề cập tỉnh nên chọn Biên Hòa là thành phố của di sản. Vì sao ông lại có đề xuất này?

- Tôi là người Đồng Nai và tác phẩm nghiên cứu đầu tay của tôi là về Cù lao Phố của Biên Hòa nên tôi hiểu rất rõ về Đồng Nai. Tôi làm nghiên cứu trong lĩnh vực nhân học và trở thành tiến sĩ dân tộc học có nhiều điều kiện tiếp xúc, tham khảo và nghiên cứu về con người, xã hội, tôn giáo... và điều này liên quan nhiều đến các di sản.

Trước đây, nhắc đến các di tích lịch sử, văn hóa nhiều người chỉ nghĩ đến việc bảo tồn những giá trị về văn hóa, lịch sử mà ít nghĩ đến việc kết nối làm du lịch để có thêm nguồn thu cho người dân khu vực xung quanh và Nhà nước để bảo tồn và phát huy hết giá trị. Nhưng những năm gần đây, có những tỉnh, thành đã bắt đầu dựa vào các di tích, di sản để làm du lịch và thu hút được rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Tôi cũng đi đến nhiều quốc gia trên thế giới và thấy họ đã biết tận dụng lợi thế từ các di tích, di sản để làm du lịch. Đơn cử như: Malaysia, Thái Lan... Tôi nghĩ TP.Biên Hòa có nhiều khả năng có thể phát triển thành một thành phố di sản.

* Du lịch Đồng Nai 3-4 năm trở lại đây có tốc độ tăng trưởng cao, song vẫn chưa xứng với tiềm năng, theo ông thách thức lớn nhất là gì?

Theo PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Đồng Nai có 57 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia; các di tích được xếp hạng đa số được bảo tồn khá tốt. Ngoài ra, Đồng Nai còn có lợi thế mà nhiều nơi khác không có được là tư liệu lịch sử về các di tích. Đây là những yếu tố có thể kết nối phát triển du lịch di sản.

- Như tôi đã nói ở trên, Đồng Nai là nơi có nhiều di tích, rừng, hồ, thác, sông rất đẹp có thể liên kết lại hình thành các tour du lịch văn hóa, lịch sử và di sản, sinh thái... Tuy nhiên, những loại hình du lịch trên chưa phát triển đúng với tiềm năng là còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích và chiến lược phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa đủ để phát triển du lịch vì đầu tư chưa đủ.

Ngoài ra, Đồng Nai còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp trong việc xử lý các vấn đề thực tiễn làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn di tích, thậm chí có thể làm sai lệch hoặc biến dạng các thuộc tính ban đầu của các di tích. Vì thế việc bảo tồn các di tích rất quan trọng và quá trình trùng tu phải được giám sát nghiêm ngặt và phải lấy ý kiến từ những nhà nghiên cứu về di tích, di sản để không làm mất đi giá trị đích thực.

* Vậy ông có gợi ý gì cho phát triển du lịch từ các di tích, di sản của Đồng Nai?

- Theo tôi, tỉnh cần xây dựng bản đồ di sản, có liên kết và hệ thống hóa các di sản đơn lẻ thành một hệ thống tổng thể. Sau đó, tỉnh tiến hành các mô hình thử nghiệm của hệ sinh thái di sản văn hóa dựa trên cộng đồng kết hợp với khu vực xung quanh như: phố nghệ thuật, khu ẩm thực truyền thống. Tỉnh nên thường xuyên tổ chức các diễn đàn kinh tế du lịch để giới thiệu, quảng bá các điểm đến.

* Nghiên cứu về xã hội là đam mê

* Là nhà nghiên cứu, giảng dạy, viết sách thành công từ khi tuổi còn khá trẻ, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để đi đến những thành công của mình?

- Tôi là một trong những sinh viên đầu tiên của Khoa Nhân học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Từ năm 2 của đại học, tôi đã bắt đầu tham gia vào nghiên cứu. May mắn của tôi là được các thầy, cô cũng là những nhà nghiên cứu lâu năm truyền thụ lại cho mình những kiến thức. Cộng với lòng đam mê tôi đã tiến hành nghiên cứu nhiều lĩnh vực liên quan đến tôn giáo, phúc lợi xã hội, công nhân nhập cư...

Đồng thời, tôi cũng tham gia viết một số cuốn sách liên quan đến đời sống xã hội Việt Nam đương đại, sách về phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội. Ngoài ra, tôi tham gia nhiều bài viết trên các báo công bố trong và ngoài nước được một  số chuyên gia tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... quan tâm.

Vào năm 2010, tôi đã cùng một số nhà nghiên cứu thành lập nhóm nghiên cứu đời sống xã hội để mở rộng và đào sâu thêm những vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam hiện nay gồm: công nhân, người nhập cư, giới trẻ... Những nghiên cứu của tôi và các cộng sự sau này trở thành tư liệu của quá khứ trong tương lai. Kết quả tôi đạt được là nhờ sự nỗ lực không ngừng, lòng đam mê, không ngại khó để tiếp cận, điều tra và nghiên cứu.

* Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, viết sách điều gì khiến ông hài lòng nhất?

- Sau một thời gian làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và viết sách tôi bắt đầu nhìn vấn đề rộng hơn, điều này giúp ích cho việc nghiên cứu đầy đủ các khía cạnh của đời sống xã hội hiện tại.

Bộ sách Đời sống xã hội Việt Nam đương đại là một trong những công trình nghiên cứu khiến tôi tương đối hài lòng và tôi quyết định mỗi năm ra một cuốn. Cuốn đầu tiên là về đời sống công nhân ở các khu công nghiệp xuất bản năm 2015, cuốn thứ 2 là Người thiểu số ở đô thị (năm 2016), Người trẻ trong xã hội hiện đại (năm 2018). Bộ sách này đã đoạt giải sách hay lần thứ 8 với hạng mục sách nghiên cứu năm 2018, do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức. Với lĩnh vực giảng dạy, tôi hài lòng nhất là mình đã truyền lửa đam mê nghiên cứu cho nhiều em sinh viên. Có những em sau khi học xong ra trường đã trở về hợp tác nghiên cứu cùng với tôi và các nhà nghiên cứu của viện.

* Theo ông, lớp cử nhân trẻ có quan tâm đến việc nghiên cứu về xã hội nhân văn?

- Cũng có những bạn quan tâm nghiên cứu nhưng sự đam mê thì còn thiếu, vì thế quá trình thực hiện các công trình nghiên cứu kết quả đem lại không được như mong muốn. Thực tế có những bạn trẻ có khả năng khá tốt, ngoại ngữ giỏi, nếu có thêm lòng đam mê nữa nhất định sẽ thành công.

 Xin cảm ơn ông!

Từ năm 2010 đến nay, PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc đã cùng các cộng sự của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội thực hiện khoảng 15 cuốn sách, trong đó có những công trình nghiên cứu lý giải đời sống xã hội Việt Nam. Những cuốn sách này đã được nhiều nhà khoa học ở Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… quan tâm về xã hội Việt Nam đương đại chú ý và đánh giá cao.

Khánh Minh (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,114,349       48/1,084