Kinh tế

Công nghiệp hỗ trợ "hút" nhà đầu tư

Với trên 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Đồng Nai đã trở thành một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước do đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực mà cả Chính phủ lẫn các tỉnh, thành phố trong cả nước đang ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneco ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch)
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneco ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch)

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, khoảng 3-4 năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng nhanh. Đơn cử, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh thu hút 53 dự án FDI cấp mới thì trong đó đã có 18 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và vốn đăng ký chiếm trên 41% trong tổng dự án cấp mới.

* Đa dạng ngành nghề

Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngày càng nhiều và đa dạng về ngành nghề, song có 4 lĩnh vực thu hút khá đông nhà đầu tư quan tâm là: sản xuất linh - phụ kiện cho ngành dệt may, giày da; sản xuất thiết bị cho các loại máy móc; sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất các sản phẩm hóa chất. Các doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực này không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước.

Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và đều ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn thành lập 3 phân khu chuyên thu hút công nghiệp hỗ trợ.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng chú ý hơn đến việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do nhằm hưởng ưu đãi về thuế. 

Ông Yoshida Mizuho, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneco ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Đồng Nai là một trong những địa phương có công nghiệp phát triển nhất cả nước nên chúng tôi chọn đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để dễ dàng cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện công ty đang mở rộng sản xuất để đưa sản phẩm vào thị trường ASEAN”. Công ty TNHH Việt Nam Kaneco chuyên sản xuất các loại van an toàn dùng trong các máy móc, thiết bị, sản xuất gas, hóa chất lỏng, dầu. Hiện rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất mặt hàng này nên thị trường của công ty khá rộng mở.

Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam cho biết: “Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam là doanh nghiệp chuyên đúc các thiết bị hợp kim nhôm kẽm cho máy nông nghiệp, robot và các loại xe. Hàng hóa của công ty có khoảng 50% tiêu thụ trong nước và phần còn lại xuất khẩu vào Hoa Kỳ và châu Âu”. Cũng theo ông Tuấn, gần đây, rất nhiều doanh nghiệp tìm các linh kiện máy móc sản xuất trong nước nên thị trường nội địa khá thuận lợi và còn nhiều tiềm năng.

Theo một số doanh nghiệp dệt may, giày da lớn, trước đây nguyên phụ liệu dùng để sản xuất có 80-95% phải nhập khẩu thì nay đã giảm xuống còn 50-60%. Trong đó, có những đơn hàng mà tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu chỉ 20-30%. Lý do những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam đầu tư sản xuất sợi, vải, da và các linh kiện liên quan và giá tương đối cạnh tranh nên các doanh nghiệp dễ dàng tìm nguồn cung tại Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất máy móc, điện tử cũng tương tự.

* Tăng kết nối tại chỗ

Khoảng 3 năm nay, bên cạnh việc xúc tiến thương mại ra nước ngoài thì Đồng Nai rất chú ý đến xúc tiến thương mại tại chỗ. Mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm của mình để kết nối cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, giảm nhập khẩu. Sau các đợt xúc tiến trên, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đã tìm được nguyên liệu ngay địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, chủ động cho sản xuất.

Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành, Chủ nhiệm Chi hội Doanh nghiệp hỗ trợ Đồng Nai cho biết: “Qua các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, nhiều doanh nghiệp trong nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã tìm được đối tác cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp tìm được nguồn nguyên liệu đầu vào cho mình”.

Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất các thiết bị và linh kiện cho máy móc tại Đồng Nai cũng cho biết, nguyên liệu sắt, thép, nhôm, hợp kim tại thị trường trong nước đáp ứng gần 100% nên khi xuất khẩu vào những nước có ký kết các hiệp định thương mại ít phải lo lắng đến tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định: “Tỉnh rất chú trọng đến xúc tiến thương mại tại chỗ nên mỗi năm đều tổ chức 2-3 đợt để các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhau”. Cũng vì vậy mà những năm gần đây, xuất siêu của Đồng Nai liên tục tăng cao và chiếm 30-50% xuất siêu của cả nước.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,112,346       1/1,051