Kinh tế

Dồn lực kiểm kê các loại đất đai

Đồng Nai đang gấp rút thực hiện việc tổng kiểm kê các loại đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất trên toàn tỉnh. Mục tiêu là nhằm đánh giá về quản lý, sử dụng đất của các cấp trong 5 năm qua...

làm cơ sở để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Các phường, xã TP.Biên Hòa đang tiến hành kiểm kê đất đai. Trong ảnh: Một góc TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Giang
Các phường, xã TP.Biên Hòa đang tiến hành kiểm kê đất đai. Trong ảnh: Một góc TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Giang

TIN LIÊN QUAN
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, thời điểm thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1-8-2019. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 được tính đến ngày 31-12-2019.

* Gánh nặng thuộc về cấp xã

Thời gian hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 là cấp xã hoàn thành, báo cáo kết quả trước ngày 16-1-2020; cấp huyện hoàn thành trước ngày 1-3-2020; cấp tỉnh sẽ phải thực hiện xong trước ngày 16-4-2020.

Từ đầu tháng 7-2019, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh làm Trưởng ban, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường làm Phó trưởng ban và các sở, ngành, địa phương là thành viên. Nhiệm vụ của ban chỉ đạo là tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thành phố, xã, phường cùng các sở, ngành làm nhanh việc kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 ở 3 cấp là xã, huyện, tỉnh.

Phạm vi thực hiện là kiểm kê toàn bộ diện tích đất trên toàn tỉnh, trong đó cấp xã là đơn vị cơ bản nhất. Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 của cấp xã sẽ là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cấp huyện và tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: “Tất cả các loại đất đều được tiến hành kiểm kê, nhưng sẽ đặc biệt chú trọng đến đất lúa, đất các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế. Đối tượng kiểm kê tất cả những cá nhân, tập thể đang sử dụng đất”.

Đồng Nai có diện tích hơn 589.775 hécta, bằng 1,79% diện tích tự nhiên của cả nước và 19,4% diện tích của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là cuộc tổng kiểm kê đất đai lớn được thực hiện 5 năm/lần. Các xã, phường đã tiến hành rà soát lại thực trạng đất đai trên địa bàn và phân ra từng loại đất theo đúng hiện trạng. Những trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng tại thời điểm kiểm kê chưa sử dụng theo quyết định thì vẫn được tính là đất ghi trong quyết định, nhưng phải lập theo biểu riêng để theo dõi, quản lý.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho hay: “Huyện đã yêu cầu các xã kiểm kê đất đai thật chính xác với từng loại đất và thực tế các cá nhân, đơn vị đang sử dụng như thế nào. Đây sẽ là cơ sở kiểm kê đất cho huyện và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Qua đó, huyện biết rõ được các loại đất đang được dùng như thế nào để định hướng phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch giai đoạn tới cho phù hợp”.

* Để lập quy hoạch giai đoạn tới

Tại Đồng Nai, ở nhiều vùng nông thôn, thực tế sử dụng đất của người dân đã thay đổi so với mục đích ghi trên hồ sơ địa chính. Đơn cử, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là đất trồng cây hằng năm, song thực tế người dân chuyển sang trồng cây lâu năm; đất trồng lúa 1-2 vụ kém hiệu quả chuyển sang trồng các cây hằng năm khác để cho thu nhập cao hơn... Với những trường hợp trên thì đất sẽ ghi theo hiện trạng đang sử dụng. Trường hợp đất dùng vào nhiều mục đích thì ngoài kiểm kê theo mục đích sử dụng đất chính còn phải kiểm kê các mục đích sử dụng khác bằng bảng kê riêng.

Sở dĩ tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm kê chính xác diện tích, mục đích sử dụng đất theo hiện trạng là để làm cơ sở  lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, Đồng Nai là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, mặc dù các địa phương quản lý chặt về đất đai nhưng vẫn có những biến động lớn trong sử dụng đất. Do đó, việc kiểm kê lần này sẽ giúp cho các địa phương, tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn tới thích hợp hơn. “Nhiệm vụ lớn lần này thuộc về cấp xã, vì thế phải hoàn thành đúng tiến độ. Các xã, phường phải làm đồng bộ, bởi vì chỉ cần 1 xã chậm lại sẽ ảnh đến cả tỉnh. Những loại đất mới kiểm kê trước đó theo đề án riêng cũng rà soát lại cho chính xác”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Đồ họa thể hiện quy hoạch sử dụng đất ở Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt; dự kiến tổng nguồn thu, chi từ đất và hiệu quả mang lại từ đất giai đoạn 2016-2020 của Đồng Nai.  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện quy hoạch sử dụng đất ở Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt; dự kiến tổng nguồn thu, chi từ đất và hiệu quả mang lại từ đất giai đoạn 2016-2020 của Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Quy hoạch sử dụng đất của các cấp trên địa bàn là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất cho các dự án... Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch trên có thể kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng, các dự án muốn được cấp phép, triển khai đều phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được tỉnh phê  duyệt, nếu phù hợp mới được giải quyết. Vì thế quy hoạch sử dụng đất đóng vai trò rất quan trọng.

* Cần tầm nhìn xa

Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 có mục tiêu chính là để các cấp, từ huyện, tỉnh đến Chính phủ sẽ xây dựng phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất trong 10 năm tới. Với thời hạn dài như vậy, nhiều người dân, doanh nghiệp mong muốn quy hoạch phải có tầm nhìn xa, dự đoán sát được mức độ phát triển của từng khu vực trong tỉnh. Vì nếu quy hoạch sử dụng đất làm tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ tạo thuận lợi rất lớn trong việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Như vậy sẽ tránh được các dự án sẽ bị “ách” lại vì không phù hợp quy hoạch sử dụng đất phải đợi điều chỉnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức lưu ý, một trong 3 yếu tố để đưa các dự án vào phê duyệt là phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất.

Ở Đồng Nai, thời gian qua có hàng chục dự án không thể triển khai và chậm so với tiến độ vì phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Vào dịp đầu năm 2019, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm Trưởng đoàn giám sát công tác quản lý đất đai tại Đồng Nai đã nhắc nhở: “Khi làm quy hoạch sử dụng đất phải thuê những đơn vị tư vấn giỏi, có tầm nhìn xa để họ dự báo sát được quá trình phát triển của tỉnh. Như vậy quá trình trực hiện ít phải điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất liên tục và cục bộ từng khu vực có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung”.

Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc phát triển nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng chung đến cả vùng. Làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,109,662       2/1,035