Kinh tế

"Săn" ốc núi, kiếm tiền triệu mỗi đêm

Cứ vào mùa mưa là thời điểm một số người dân vùng đồi đá ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất), xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) rủ nhau đi "săn" ốc núi, kiếm thêm thu nhập.

Cứ vào mùa mưa là thời điểm một số người dân vùng đồi đá ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất), xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) rủ nhau đi “săn” ốc núi, kiếm thêm thu nhập.

Ốc núi là đặc sản được nhiều người ưa chuộng
Ốc núi là đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: H.THẮNG

Ốc núi sống chủ yếu ở khu vực đồi đá, tập trung nhiều nhất ở xã Gia Kiệm và các xã lân cận như: Quang Trung và Thanh Bình (vì đây là khu vực đá nhiều).

* “Săn” ốc núi

Một số người chuyên đi “săn” ốc núi cho biết, đặc thù của loại ốc này thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, còn mùa nắng ốc sẽ ẩn mình dưới đất, đá sinh sôi nảy nở nên rất khó phát hiện. Ốc núi thường đi kiếm ăn vào ban đêm. Muốn bắt được ốc núi, người dân phải băng rừng chuối đến đồi đá, dùng đèn pin rọi bắt từng con.

Ốc núi thường ăn các loại lá cây, thảo dược nên thịt ốc rất thơm, ngon ngọt. Khoảng 10 năm nay, ốc núi đã trở thành đặc sản của vùng đồi ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất), xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom). Ốc núi được chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, hấp sả chấm mắm gừng, xào nước dừa...

Cứ khoảng 19 giờ, sau bữa cơm, khi trời bắt đầu ngớt mưa, hai mẹ con bà Võ Thị Hồng Phượng (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) chuẩn bị xô nhựa, đèn pin đi vào các vùng đồi đá để “săn” ốc núi. Trước khi đi, bà Phượng còn dặn chúng tôi phải cầm theo cây để chống đỡ, tránh trượt đá té ngã hoặc phòng thủ khi gặp rắn, rết vì khu vực đồi đá rất tối, đá lởm chởm sắc nhọn, mưa trơn trượt dễ té ngã.

Vừa đi bà Phượng vừa cho biết, ốc núi còn có tên gọi khác như: ốc đá, ốc chuối vì loại ốc này ở trong đất, đá trên núi và thường bò ra cây chuối để ăn.

Sau khoảng 20 phút lội bộ băng qua những vườn chuối, đồi đá của xã Gia Kiệm, nước mưa còn đọng lại từ những tán cây rớt xuống cũng đủ làm áo quần chúng tôi ướt đẫm. Đến khu vực đồi đá, bà Phượng bật đèn pin đeo trên đầu, lia qua đảo lại, liên tục nhặt ốc núi bỏ vào thùng, trong khi chúng tôi tìm mãi không ra con ốc nào.

Thấy vậy, bà Phượng chỉ chúng tôi cách “săn” ốc núi. Trước hết phải chuẩn bị đèn pin thật sáng và phải khom mình sát đất mới nhận biết được ốc núi, vì màu sắc của chúng giống như màu của đá rất khó phát hiện vào ban đêm.

Sau hơn 2 giờ đi hết vườn này đến vườn khác trên ngọn đồi để “săn” ốc núi, qua nhiều lần vấp ngã, muỗi cắn đỏ cả mặt, thành quả mà bà Phượng có được là hơn chục ký ốc núi.

Bà Phượng tâm sự, gia đình bà ở tỉnh Trà Vinh lên đây làm thuê, làm mướn nên được chủ vườn dựng lều cho ở trong rẫy để trông coi rẫy. Trước đây, bà bắt ốc núi chỉ để ăn nhưng nhiều quá ăn không hết nên mang ra chợ bán. Do là ốc tự nhiên nên người mua rất ưa chuộng, bán được giá, từ đó nhiều người rủ nhau đi “săn” ốc núi.

“Hồi đó một đêm đi vài tiếng, hai mẹ con cũng bắt được 20-30kg ốc, bán được hơn triệu đồng nhưng thời gian gần đây, do người ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xịt cỏ nhiều, người bắt cũng đông nên ốc núi có phần khan hiếm. Bây giờ muốn bắt được nhiều phải đi vào các đồi đá sâu vất vả hơn. Nếu chịu khó, hai mẹ con cũng kiếm được khoảng 10kg/đêm” - bà Phượng chia sẻ.

* Không ít hiểm nguy

Theo những người đi “săn” ốc núi, việc đi bắt ốc vào ban đêm, trời mưa cũng đối diện với không ít nguy hiểm. Ông Dương Văn Thiện (ngụ xã Gia Kiệm) cho biết, đi bắt ốc phải băng qua vườn rẫy, rừng chuối để lên đồi cao mới có nhiều ốc. Người đi bắt ốc không chỉ sợ trời mưa làm đá trơn trượt, té ngã nguy hiểm mà còn sợ rắn, rết, bò cạp tấn công vì tiền điều trị nhiều khi còn hơn tiền bán ốc, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nếu bị rắn độc cắn.

Mùa mưa tới là thời điểm người dân vùng đồi đá xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đi “săn” ốc núi về bán . Ảnh: H.THẮNG
Mùa mưa tới là thời điểm người dân vùng đồi đá xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đi “săn” ốc núi về bán . Ảnh: H.THẮNG

Ông Thiện kể, ông đã có hơn 10 năm đi “săn” ốc núi. Thời điểm đó, ốc núi ở vùng đồi xã Gia Kiệm rất nhiều. Cứ đến mùa mưa, gia đình ông cùng nhau đi bắt. Hôm nào rảnh, ông huy động từ 4-5 người trong nhà đi bắt ốc, hôm nào bận thì ông và người cháu là anh Võ Phước Hảo sẽ đi. Mỗi đêm đi bắt ốc từ 19 giờ đến khoảng 1-2 giờ sáng hôm sau, hai ông cháu kiếm được gần 20kg.

“Bữa nào mưa nhiều thì bắt được nhiều hơn nhưng cũng vất vả và nguy hiểm hơn. Có lần tôi bước lên chỏm đá để bắt ốc thì bị trượt chân, đá cắt rách da chân, máu chảy đầm đìa, phải khâu chục mũi, nghỉ ở nhà cả tuần lễ không làm được gì” - ông Thiện nói.

Dù đi bắt ốc núi vất vả, đối diện với nhiều nguy hiểm nhưng do thấy dễ bắt, thu nhập khá nên nhiều người ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung, Thanh Bình vẫn tranh thủ đi “săn” ốc núi vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập.

Do ngày càng có nhiều người đi bắt nên ốc núi ở đây ngày một khan hiếm, vì vậy giá cũng cao hơn mọi năm, hiện dao động từ 80-120 ngàn đồng/kg (tùy loại lớn hay nhỏ), tăng 20-40 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Một người có kinh nghiệm “săn” ốc núi có thể bắt được trên dưới 10kg ốc/đêm với thu nhập từ 800 ngàn đến trên 1 triệu đồng/đêm.

Ông Thiện nói: “Mỗi khi vào mùa mưa là bà con rủ nhau đi “săn” ốc núi vui lắm. Làm riết thành quen nên chúng tôi thuộc từng ngóc ngách, đoạn đường nào thuận lợi lên các ngọn đồi. Nhiều người đã trang bị đồ bảo hộ để tránh bị côn trùng, rắn, rết cắn. Mỗi đêm kiếm được cả triệu đồng ai cũng phấn khởi vì có một khoản tiền lo cho gia đình, nhất là vào thời điểm các con tựu trường, có nhiều khoản cần chi tiêu”.          

Hữu Thắng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,107,463       3/1,024