Kinh tế

Tỉnh công nghiệp đi đầu xây dựng nông thôn mới

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM) khi có 2 huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM vào năm 2014.

Trang trại dưa lưới trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc
Trang trại dưa lưới trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc

Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Đồng Nai hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở cấp tỉnh vào năm 2019, “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu đề ra. Đồng Nai luôn giữ vững vị trí là ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM.

* Về đích ấn tượng

Để đạt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở cấp tỉnh vào năm 2019, Đồng Nai phải chịu áp lực rất lớn về số lượng khi phấn đấu 100% xã, huyện, thành phố đều hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2018.

Tuy nhiên, Đồng Nai không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM lẫn NTM nâng cao mà luôn giữ phương châm đi vào thực chất. NTM của Đồng Nai không ngừng được nâng cao vì càng về sau chuẩn của các tiêu chí đều được nâng lên, việc thẩm định cũng khắt khe hơn.

Thời kỳ “hậu NTM”, định hướng của tỉnh là xây dựng nông thôn hiện đại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa lớn phục vụ cho phát triển đô thị với kỳ vọng không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân nông thôn. Theo đó, Đồng Nai đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam gồm 7 địa phương: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu.

Về làm việc tại Đồng Nai, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, để chương trình xây dựng NTM đảm bảo thực chất và bền vững, năm 2018, một số tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của một số xã có tư tưởng “thỏa mãn”, không tích cực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM sau đạt chuẩn; chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn thiếu bền vững.

“Riêng Đồng Nai vẫn giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn. Làm được điều này vì ngay từ rất sớm vào năm 2013, Đồng Nai đã chủ động chủ trương ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao khi cả nước vẫn tập trung xây dựng NTM” - ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Về đích sớm trong xây dựng NTM nhưng Đồng Nai vẫn đảm bảo sự phát triển đồng bộ các tiêu chí từ thu nhập đến văn hóa, y tế, giáo dục... Cụ thể, đến nay, 100% trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn về cơ sở vật chất; trong đó, có gần 55% trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; nhiều trạm y tế xã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh: “Từ quan điểm lấy việc nâng cao đời sống của nông dân làm thước đo trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”.

Cụ thể, mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2-2 tỷ đồng/hécta; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/hécta... Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt gần 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011 khi Đồng Nai bắt tay vào xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% vào năm 2011, hiện chỉ còn 0,09%.

* Xây dựng nông thôn hiện đại

Là huyện nghèo nhưng Xuân Lộc đã bứt phá trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2014. Đây cũng là một trong 4 huyện được chọn xây dựng mô hình điểm về huyện NTM kiểu mẫu của cả nước theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025. Với mục tiêu giữ vững thành tích trong xây dựng “hậu NTM”, dự kiến đến cuối năm 2019, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu có 8/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Xuân Định cũng về đích xã NTM kiểu mẫu.

Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp với nhiều khu đô thị lớn như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, Nhơn Trạch - thành phố mới trong tương lai... thế mạnh phát triển kinh tế của Đồng Nai vẫn là công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Nhiều nơi đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất an toàn áp dụng quy trình GAP; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; phát triển công nghiệp chế biến...

TP.Long Khánh là một trong những vùng đô thị dẫn đầu về thành tích xây dựng NTM của Đồng Nai. Ngày 1-6-2019, TX.Long Khánh lên thành phố với 5 xã được thành lập phường. Hiện nay thành phố chỉ còn 4 xã nông thôn nhưng địa phương vẫn rất quan tâm giữ vững và nâng chất cho “hậu NTM”.

Nét nổi bật trong xây dựng NTM của thành phố này là đạt thành quả nổi bật trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, giá trị sản phẩm thu được trên 1 hécta đất nông nghiệp bình quân là 173 triệu đồng/hécta; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 61,7 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết, hiện 3/4 xã của thành phố đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã còn lại cũng phấn đấu đạt chuẩn nâng cao vào cuối năm nay. Như vậy, dự kiến trong năm nay, TP.Long Khánh sẽ hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao. “Mục tiêu của thành phố là giữ môi trường xanh cho vùng nông thôn bằng việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sạch gắn với nhân rộng mô hình du lịch phục vụ cho khu đô thị” - ông Lê Văn Thắng nói.

Trong định hướng phát triển thành thành phố loại II đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền huyện Nhơn Trạch cũng luôn đặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở vị trí chiến lược, là cơ sở để phát triển bền vững. Với phương châm người dân có khá, giàu thì mới có điều kiện đóng góp xây dựng NTM, Nhơn Trạch đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị và sản xuất hàng hóa.

Huyện Nhơn Trạch đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh. Trong đó, địa phương chú trọng chuyển đổi dần một số diện tích trồng lúa, hoa màu sang sản xuất nông nghiệp đô thị như: hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh...

Một trong những nông dân đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Nhơn Trạch là hộ ông Vũ Văn Cường (xã Vĩnh Thanh) với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Theo ông Vũ Văn Cường: “Nhờ địa phương đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, mạng lưới điện về tận cánh đồng sản xuất nên tôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Tôi sử dụng hệ thống tưới hiện đại nhập từ Israel, canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng giống mới... nên vườn dưa lưới cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng”.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) Lê Thị Thanh Hồng cho biết: “Trong xây dựng NTM, địa phương không chỉ chú trọng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp mà có sự phát triển đồng bộ trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Điều đáng mừng là gần đây đã có doanh nghiệp về đầu tư khu du lịch sinh thái và hoạt động hiệu quả. Đây là một thế mạnh mà địa phương sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,104,581       5/1,016