Kinh tế

Đầu tư mạnh cho cánh đồng lớn

Là huyện phát triển mạnh về công nghiệp nhưng huyện Trảng Bom đã có 4 dự án cánh đồng liên kết sản xuất lớn gắn với tiêu thụ nông sản được chấp thuận chủ trương đầu tư, hai trong số đó đang hoạt động.

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Viễn, đơn vị thực hiện xây dựng cánh đồng lớn ca cao xen điều tại xã An Viễn kiểm tra quá trình phát triển cây ca cao
Ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Viễn, đơn vị thực hiện xây dựng cánh đồng lớn ca cao xen điều tại xã An Viễn kiểm tra quá trình phát triển cây ca cao. Ảnh:P.Tùng

Việc đẩy mạnh liên kết trong quy hoạch, trồng và tiêu thụ nông sản, đầu tư hạ tầng, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng lớn cho thấy địa phương đang quyết tâm xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

* Nhiều ích lợi hơn cho nông dân

Với 9,4 hécta điều tại ấp 4, xã An Viễn, năng suất đạt 2,2-2,5 tấn/hécta và giá bán bình quân là 35-40 triệu đồng/tấn, trung bình mỗi năm, ông Nguyễn Văn Thu thu về khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ hết mọi chi phí, ông lời 40-50% trong điều kiện thời tiết bình thường. Có những vụ, ông làm không có lời, thậm chí lỗ vốn do thời tiết nắng hạn gây ra tình trạng điều cháy bông, dịch bệnh nhiều hoặc giá xuống thấp.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 3 năm trở về trước. Bởi hiện tại, nguồn thu từ ca cao xen canh trong vườn điều của ông Thu đã tăng gấp đôi và dự kiến từ năm sau trở đi, nguồn thu từ ca cao sẽ gấp 3-4 lần điều.

Ông Thu cho biết, năm 2017, ông là một trong số ít nông dân trong xã tiên phong tham gia dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao trên địa bàn xã An Viễn. Thời điểm đó, dù được UBND tỉnh và chủ dự án là Công ty TNHH Bamboo Agriculture hỗ trợ chi phí giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ hệ thống đường ống nước, đường giao thông và quan trọng hơn hết được cam kết bao tiêu đầu ra với giá tương đương thị trường, tuy nhiên nhiều nông dân vẫn e ngại với cánh đồng lớn.

“Công ty dự trù năng suất bình quân vụ này đạt 8-10 tấn/hécta. Từ năm thứ 4, năng suất bình quân sẽ đạt 30 tấn/hécta. Với giá bán hiện tại 6,2 ngàn đồng/kg, vụ này, nguồn thu từ ca cao đã gấp đôi nguồn thu từ điều. Trong khi đó, việc bón phân, tưới nước cho ca cao cũng là đang đầu tư cho điều, giảm được một phần chi phí đầu tư. Năng suất điều không giảm thì xem như “ăn” trọn phần lời từ ca cao” - ông Thu phấn khởi cho biết. 

“Điều làm tôi hài lòng khi tham gia dự án là nông dân trở thành chủ thể trong mối liên kết sản xuất và tiêu thụ; được tham gia bàn bạc để đưa ra phương án sản xuất hiệu quả nhất, lợi nhuận được cân bằng cho cả hai bên. Nông dân được hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình, hạn chế được dịch bệnh. Nhờ đó, nông sản có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Điều quan trọng hơn cả là nông dân an tâm đầu tư, không phải lo lắng cảnh “mất mùa, được giá”, được mùa thì  phải “giải cứu” nữa” - xã viên Nguyễn Quang Việt tiếp lời.

Theo ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ An Viễn, huyện Trảng Bom, tham gia vào HTX nông dân được hưởng nhiều lợi ích cả về kinh tế, kiến thức lẫn tư cách pháp nhân cho sản phẩm.

“Nhận thấy nhiều quyền lợi và thực tế hiệu quả từ các hộ đi trước, rất nhiều hộ đang muốn tham gia dự án và đã chuẩn bị đất, đường ống nước cũng như các hạ tầng khác, tuy nhiên, vấn đề nằm ở con giống. Theo thông báo của công ty, giống ca cao đang “cháy” hàng. Khoảng tháng 3, tháng 4 năm sau mới có. Hiện có 33 hộ và 44 hécta xen canh trên tổng số 55 hộ và hơn 110 hécta đăng ký được trồng xen canh ca cao trong vườn điều. Mục tiêu của HTX là đến năm 2030 sẽ đạt 1 ngàn hécta. Tôi nghĩ với hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng điều, HTX hoàn toàn có thể đạt mục tiêu về phát triển diện tích” - ông Giang nhấn mạnh.

Để nông dân an tâm xuống giống cacao, ngoài chi phí hỗ trợ từ tỉnh, huyện theo quy định, ông Giang cho biết với vai trò Giám đốc HTX, ông vừa đàm phán để doanh nghiệp liên kết ngoài cung cấp giống cây còn triển khai chương trình bán thiếu phân bón cho nông dân và cấn trừ dần vào sản phẩm. Trong tương lai, ông sẽ đề xuất thí điểm làm ca cao hữu cơ. “Làm nông nghiệp hữu cơ năng suất sẽ thấp hơn nhưng giá bán có thể bù lại. Và hơn hết, nông nghiệp hữu cơ phù hợp với nhu cầu và triển vọng của thị trường” - ông Giang nói.

* Thúc đẩy liên kết

Với huyện Trảng Bom, mục tiêu chính khi đầu tư triển khai hàng loạt các dự án cánh đồng lớn là nhằm giúp người dân tăng thu nhập, tăng chuyên môn hóa, thúc đẩy liên kết và ổn định đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thu, ấp 4, xã An Viễn, huyện Trảng Bom bên vườn cây ca cao xen điều
Ông Nguyễn Văn Thu, ấp 4, xã An Viễn, huyện Trảng Bom bên vườn cây ca cao xen điều. Ảnh:P.Tùng

Do đó, bên cạnh 2 dự án đang triển khai, huyện tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 2 dự án cánh đồng lớn khác đó là: Cánh đồng lớn bưởi da xanh ở xã Bàu Hàm và Cánh đồng lớn chuối ở xã Thanh Bình. Tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An), Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán)... để tiêu thụ các nông sản cho nông dân trong huyện.

Để làm được điều này, chính quyền và nông dân huyện Trảng Bom đã có các bước chuẩn bị đó là thành lập các HTX, tổ hợp tác và vận động nông dân tham gia nhằm liên kết thành các vùng nguyên liệu rộng lớn; vận động nông dân chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp và tuân thủ quy trình sản xuất sạch; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh; quy hoạch vùng cánh đồng lớn với các loại cây trồng cho năng suất cao.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh đầu tư cứng hóa các tuyến đường liên ấp dẫn vào các vùng nguyên liệu tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và vận chuyển nông sản; đầu tư hệ thống điện trung và hạ thế phục vụ sản xuất nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp bắt tay cùng đầu tư hình thành các cánh đồng lớn.

Có thể nói, thành công bước đầu của 2 dự án cánh đồng lớn và những quyết tâm, tham vọng xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại của chính quyền và nhân dân địa phương, tương lai các cánh đồng lớn sẽ thêm lớn, sẽ có thêm những cánh đồng liên kết sản xuất lớn, những vùng chuyên canh cây trồng hiệu quả ở Trảng Bom. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong trồng, bao tiêu sản phẩm đầu ra sẽ là động lực để nông dân an tâm đầu tư cho nông nghiệp, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, chủ động tìm kiếm đối tác cung ứng nông phẩm.

         Hoàng Lộc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,102,039       24/1,199