Kinh tế

"Vực dậy" thương hiệu trái cây Long Thành

Trước đây, các loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, mận vốn là những đặc sản có thế mạnh ở huyện Long Thành. Theo thời gian, những đặc sản này dần mai một.

TIN LIÊN QUAN

Anh Trần Anh Tùng, ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) thu hoạch sầu riêng VietGAP. Ảnh: B. Mai
Anh Trần Anh Tùng, ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) thu hoạch sầu riêng VietGAP. Ảnh: B. Mai

Mấy năm gần đây, nhiều nông dân Long Thành đang tìm cách khôi phục lại một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế hoặc chuyển hướng trồng các loại cây cho hiệu quả cao hơn.

* Thủ phủ trái cây miền Đông một thời

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Long Thành cho biết, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vùng đất Tam An, Tam Phước, An Phước thuộc huyện Long Thành là “thủ phủ” cây ăn trái của miền Đông Nam bộ. Thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu thuận lợi đã giúp nơi đây trở thành vùng đất nổi tiếng cả về diện tích lẫn chất lượng các loại cây ăn trái như: chôm chôm tróc, sầu riêng thuần chủng, mít tố nữ, mận... 

Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến sầu riêng, là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao cho các nhà vườn nên có thời điểm, riêng xã An Phước có trên 200 hécta sầu riêng. Đó đều là giống sầu riêng thuần chủng hạt to, cơm vàng, mùi thơm nồng đặc trưng, khi ăn vừa ngọt vừa béo ngậy, khác hẳn với sầu riêng Lái Thiêu (Bình Dương), Cái Mơn (Bến Tre) hay các giống sầu riêng cao sản hiện nay. Ngoài ra, còn có các loại cây ăn quả khác tên gọi đã gắn liền với tên gọi của địa phương, chẳng hạn như mận và dâu An Phước.

Giữa những năm 90, diện tích trồng trái cây thu hẹp dần. Nhiều nhà vườn đã cố gắng trồng mới thay thế cho những cây đã chết nhưng cũng không thành công. Nhiều nông dân trồng trái cây bỏ vườn.

4.Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Long Thành bên gốc sầu riêng cỏ thụ còn sót lại từ mấy chục năm trước
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Long Thành bên gốc sầu riêng cỏ thụ còn sót lại từ mấy chục năm trước

Ông Võ Văn Thiểu, ấp 1, xã An Phước nhớ lại: "Trước đây tôi có hơn 60 gốc sầu riêng, mỗi gốc cho vài chục trái. Sầu riêng chất lượng nên chín rụng đến đâu là lái buôn và dân địa phương mua đến đó. Tiền lời từ sầu riêng trung bình mỗi năm mua được một chiếc xe gắn máy. Cứ nghĩ sẽ giàu lên từ cây sầu riêng, ai ngờ, năm 1993 cây chết dần, đến năm 1995 thì chết sạch".

Bên gốc mận còn sót lại từ khoảng 20 năm trước, bà Phạm Thị Se, ấp 3, xã An Phước cho rằng, với gia đình bà phải gọi là mận "ban phước" thì đúng hơn. Bởi nhờ giống mận này, gia đình bà đã có của ăn của để, cất nhà và sắm sửa nhiều vật dụng có giá trị. Bà Se là một trong những hộ có diện tích trồng mận lớn nhất vùng. Nhưng cũng như nhiều loại cây trồng khác, vườn mận của bà bỗng một cây, hai cây, rồi nhiều cây chết... Bà tái canh, cây ra trái rất nhiều nhưng sâu ăn gần hết. Số tiền bán mận không đủ trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu bọ, công chăm sóc. Hiện tại bà vẫn giữ lại vài gốc vừa làm kỷ niệm vừa để con cháu ăn. So với nhiều giống mận khác, mận được nhân giống và trồng tại An Phước to, giòn và mọng nước hơn. Điểm khác biệt nữa là giống mận này không có hạt, vị ngọt đậm đà hơn nên nhiều người thích ăn.

* Vực lại tiềm năng vốn có

Vài năm trở lại đây, cùng với chính sách phát triển nông nghiệp của địa phương, nhiều nông dân mạnh dạn tái tạo lại vườn cây ăn trái và trở nên khấm khá hơn.

Anh Trần Anh Tùng, nông dân trồng sầu riêng ở ấp 7, xã Bình Sơn không chỉ tìm ra cách đưa sản phẩm của gia đình vào siêu thị, mà còn giúp các hộ nông dân trong hợp tác xã (HTX) tìm đầu ra ổn định cho nông sản VietGAP địa phương.

Anh Tùng cho biết, HTX sầu riêng Long Thành hiện có gần 20 hộ nông dân với diện tích hơn 20 hécta, riêng gia đình anh hơn 6 hécta. Những năm gần đây, năng suất trung bình đạt khoảng 20 tấn/ hécta (cao hơn 5-7 tấn/hécta so với sầu riêng truyền thống) nông dân có thu nhập khá. Ngoài kế hoạch mở rộng diện tích sầu riêng VietGAP, vận động nông dân vào HTX, anh Tùng cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một nhà máy sơ chế trái cây ngay tại vùng nguyên liệu để thuận lợi hơn cho việc đưa nông sản sạch của HTX vào siêu thị.

Là người tiên phong tái vườn sầu riêng ở xã An Phước, ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Long Thành cho biết, năm 2018, khi công trình nạo vét suối Nước Trong hoàn thành cũng là lúc ông cho xuống giống hơn 50 gốc sầu riêng giống mới - Ri6 và cây sinh trưởng khá tốt. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen canh thêm chuối già hương. Ông Trí kỳ vọng sẽ tái canh thành công cây sầu riêng trên vùng đất “thủ phủ” năm xưa. 

Trong khi đó, ông Chín Hài, ấp 2, xã An Phước lại thành công nhờ chuyển đổi sang trồng dâu. Gia đình ông Hài có hơn 2 hécta, trong đó chủ yếu là dâu, ngoài ra ông trồng xen canh thêm măng cụt và mít tố nữ. Với năng suất trung bình 15-17 tấn/hécta và giá bán trung bình cả vụ là 15 ngàn đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi năm ông lời khoảng nửa tỷ đồng.

Ông Chín Hài, ấp 2, xã An Phước là nông dân thành công nhờ chuyển đổi cây trồng. Ảnh: B. Mai
Ông Chín Hài, ấp 2, xã An Phước là nông dân thành công nhờ chuyển đổi cây trồng. Ảnh: B. Mai

"Cây dâu như vị cứu tinh cho người dân khi các cây trồng lâu năm như chôm chôm, sầu riêng lần lượt chết. Cây dâu giải quyết được hết mọi vấn đề, từ năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho đến đầu ra” - ông Chín Hài chia sẻ. Cũng theo ông Chín Hài, ban đầu người dân trong vùng chỉ biết gọi dâu da, dâu xiêm, nhưng sau này thống nhất gọi tên dâu An Phước. Đến nay, thương hiệu dâu An Phước được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, tương tự mận An Phước. Nhờ hợp thổ nhưỡng nên dâu An Phước to đều, cơm vàng óng, có vị chua dôn dốt pha với ngọt thanh, không chua nhiều như dâu miền Tây.

Ông Võ Văn Lợi, Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu An Phước cho biết, hiện tại dâu là cây trồng chủ lực ở xã An Phước với diện tích trên 20 hécta. Năng suất cao, giá cả tốt, đầu ra thuận lợi nhưng việc phát triển thêm diện tích là rất khó vì một phần đất nông nghiệp đã được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, chủ trương của địa phương là xen canh cây dâu với các loại cây trồng khác để tăng thu nhập, chuyển đổi diện tích cây ăn quả già cỗi kém hiệu quả sang trồng dâu. Bước đầu tổ hợp tác là nơi trao đổi kinh nghiệm, nhưng tương lai khi nhiều nông dân cùng tham gia, tổ hợp tác sẽ nâng cấp lên HTX và tính đến bước đi đường dài cho xã viên.

Ban Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,099,493       1/935