Kinh tế

Chuyện 'bảo hộ' ô tô trong nước...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong đó ô tô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Như vậy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ thông thoáng hơn rất nhiều so với việc kiểm tra theo lô như trước.

Thực tế, các quy định về pháp lý liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng cùng các điều kiện kiểm tra về hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu lâu nay đều theo hướng hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp phát triển công nghiệp ô tô trong nước và giúp doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu ô tô đủ sức cạnh tranh với các hãng xe trên thế giới, ít nhất là ở thị trường nội địa. Thậm chí có thời điểm, chỉ một thông tư siết chặt về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu được ban hành, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu trong nước đã phải dẹp tiệm (Thông tư 20 bổ sung quy định về thủ tục nhập khẩu xe ô tô ban hành vào năm 2011).

Bằng các nghị định, thông tư chuyên ngành, thành thật mà nói trong gần 20 năm qua, Chính phủ và Bộ Công thương luôn dành ưu ái cho các doanh nghiệp ô tô trong nước, khuyến khích sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa trên từng chiếc xe. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực, các dòng thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu (trong đó có ô tô) lần lượt giảm về mức 0% thì sự lo ngại ngành ô tô trong nước không đủ sức cạnh tranh lại “dấy” lên.

Một phần nhờ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, không thể phủ nhận thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã hình thành và lớn mạnh, song chưa có nhiều thương hiệu riêng đủ mạnh, đa số nhập linh kiện về lắp ráp và hều hết vẫn bán xe ra thị trường với thương hiệu nước ngoài. Trong tương lai gần, ưu thế của xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không giữ được lâu nếu các doanh nghiệp không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được hưởng ưu đãi thuế quan mức 0%.

Theo thống kê, Việt Nam đang cách khá xa cả Thái Lan lẫn Indonesia về sản lượng xe lẫn tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước.

Hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ nội dung sửa đổi cụ thể của Nghị định 116, không rõ sẽ theo hướng tiếp tục “bảo hộ” công nghiệp ô tô trong nước hay nới rộng cửa hơn cho xe nhập. Tuy nhiên, nếu những điểm yếu nội tại của xe trong nước không sớm được cải thiện triệt để thì về lâu dài, “xe nội” sẽ rất khó cạnh tranh.

Kim Ngân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,095,732       9/938