Kinh tế

Đồng Nai sẽ truy thu phí môi trường rừng

Từ đầu năm 2019, các địa phương bắt đầu thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước. Sắp tới, Đồng Nai có thêm gần 50 DN sẽ nộp phí môi trường rừng.

Từ đầu năm 2019, các địa phương bắt đầu thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước. Qua rà soát ban đầu, Đồng Nai có thêm gần 50 doanh nghiệp sẽ phải nộp phí môi trường rừng. Quy định này thực hiện theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, do Chính phủ ban hành vào cuối năm 2018.

Công ty cổ phần cấp nước Đồng  Nai đã đóng phí dịch vụ môi trường từ năm 2013
Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã đóng phí dịch vụ môi trường từ năm 2013. Ảnh:H.Giang

Mục đích của việc thu phí dịch vụ môi trường rừng là để tái đầu tư cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, khi có nguồn quỹ để chi trả cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

* Truy thu nhiều doanh nghiệp

Đến giữa tháng 9-2019, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai đã ký hợp đồng với 22 doanh nghiệp để thu phí dịch vụ môi trường rừng. Đây đều là các doanh nghiệp có sử dụng nước nhiều trong quá trình sản xuất.

Theo quy định của Chính phủ, những doanh nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước lấy tại các sông hồ, nước ngầm để phục vụ cho sản xuất công nghiệp thì phải đóng phí 50 đồng/m3, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch phải đóng 52 đồng/m3 và những doanh nghiệp sản xuất điện sẽ chịu mức 36 đồng/kWh. Những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và doanh nghiệp nuôi thủy sản mức phí phải đóng là 1% trên tổng doanh thu.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai, đến giữa tháng 9-2019, quỹ đã tiến hành mở trên 5.100 tài khoản cho các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán rừng trên địa bàn tỉnh. Mục đích là để chi trả tiền giữ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân bằng tài khoản để rõ ràng, minh bạch.

Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất điện, sản xuất nước sạch, dịch vụ du lịch đã đóng phí môi trường khá đầy đủ từ năm 2013 đến nay.

Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Từ năm 2013 đến nay, công ty đều đóng tiền phí dịch vụ môi trường rừng. Công ty sử dụng nguồn nước nhiều từ các sông đổ về để sản xuất điện và đóng phí dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho người trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nơi tạo ra nguồn nước là phù hợp. Số tiền này sẽ tính vào giá thành trong sản xuất điện”.

Từ năm 2013-2018, trên địa bàn Đồng Nai đã tiến hành thu phí dịch vụ môi trường rừng của 15 đơn vị. Trong đó, có 1 công ty sản xuất điện, 11 công ty sản xuất nước sạch và 3 công ty du lịch.

Ngoài những đơn vị trên thì từ năm nay tỉnh sẽ truy thu phí dịch vụ môi trường rừng của gần 50 doanh nghiệp với tổng số tiền ước tính trên 38 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang sử dụng nước nhiều cho sản xuất sẽ phải chi trả phí là: Công ty điện lực dầu khí Nhơn Trạch, Công ty TNHH hưng nghiệp Formosa (huyện Nhơn Trạch), Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành), Công ty cổ phần đường Biên Hòa, Công ty cổ phần giấy Đồng Nai (TP.Biên Hòa)...

Riêng Công ty điện lực dầu khí Nhơn Trạch có số tiền dịch vụ môi trường rừng phải nộp gần 21 tỷ đồng. Theo đại diện của công ty này, giá thành điện công ty sản xuất ra từ đầu năm đến nay chưa cộng thêm phí dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, công ty đang đợi xin ý kiến của Bộ Công thương, tính toán lại giá thành sản xuất điện và cộng thêm phí dịch vụ môi trường rừng. Khi Bộ Công thương thống nhất, doanh nghiệp sẽ trả nguồn phí trên. Những doanh nghiệp có danh sách thu phí môi trường rừng từ ngày 1-1-2019 đến nay mà chưa đóng tiền, sau khi ký hợp đồng xong sẽ bị truy thu.

* Góp phần giữ tài nguyên rừng, nuớc

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và hàng ngàn doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp. Do đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát để yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, nước mặt phải trả phí.

Ông Võ Văn Có, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành rà soát lại danh sách các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nước nhiều để yêu cầu ký hợp đồng trả phí môi trường rừng. Dự tính nếu các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định trên của Chính phủ, số tiền quỹ thu được có thể lên đến gần 100 tỷ đồng/năm”. Với số tiền thu được này, dự kiến tỉnh sẽ dùng để tái đầu tư cho việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Cụ thể, sẽ chi trả cho các cá nhân, đơn vị chủ rừng, tham gia trồng, chăm sóc rừng.

Hiện nay, tổng diện tích rừng tại Đồng Nai có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là gần 149 ngàn hécta. Diện tích rừng trên được giao cho 9 chủ rừng, 11 UBND xã và hơn 5 ngàn hộ dân chăm sóc và bảo vệ. Mỗi năm có khoảng 15-18 tỷ đồng được chi trả cho các chủ rừng, hộ dân trồng rừng, bình quân hơn 100 ngàn đồng/hécta. 

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Các hộ dân nhận giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được trả công cao thì họ sẽ yên tâm bảo vệ rừng tốt hơn. Phía các chủ rừng có thêm kinh phí để đầu tư công trình, mua thêm máy móc thiết bị chống cháy rừng trong mùa khô, đồng thời sẽ trồng mới rừng ở những diện tích đất lâm nghiệp khác”.

Trả phí cho người giữ rừng để họ làm tốt hơn việc bảo vệ rừng được nhiều nước trên thế giới triển khai từ lâu. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải nộp phí. Điều này sẽ giúp cho các đơn vị, tổ chức có ý thức hơn trong việc sử dụng tài nguyên nước và giữ rừng.               

 Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,091,283       39/1,607