Kinh tế

Khó thành lập phân khu công nghiệp hỗ trợ

Kế hoạch của tỉnh là sẽ xây dựng 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp (KCN) để thu hút doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào. Thế nhưng, các phân khu trên có thể sẽ bị "xóa sổ" vì có rất nhiều rào cản khi thành lập.

Kế hoạch của tỉnh là sẽ xây dựng 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp (KCN) để thu hút doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào. Thế nhưng, các phân khu trên có thể sẽ bị “xóa sổ” vì có rất nhiều rào cản khi thành lập.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) hiện thu hút khá nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Ảnh: H.Giang
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) hiện thu hút khá nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Ảnh: H.Giang

Những phân khu công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ thành lập thuộc KCN An Phước (huyện Long Thành), KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom) và KCN Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch).

* Vướng mắc về thủ tục

Tại hội nghị tổng kết tình hình tinh tế - xã hội cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải đáp ứng 45% nhu cầu sản xuất tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Đồng thời, có 1 ngàn doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ năm 2016, UBND tỉnh đã có ý định thành lập 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các KCN để thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp có vốn trong nước đầu tư, nhằm mục đích cung ứng sản phẩm cho những doanh nghiệp khác trên địa bàn, giảm nhập khẩu.

Theo kế hoạch, các phân khu này gồm: phân khu thuộc KCN Giang Điền rộng 53 hécta, phân khu thuộc KCN An Phước rộng 47 hécta và phân khu thuộc KCN Nhơn Trạch 6 rộng 100 hécta. Ban đầu, các doanh nghiệp là chủ đầu tư hạ tầng những KCN này mong muốn thành lập các phân khu nói trên, nhưng sau khi tiến hành làm thủ tục mới biết có nhiều “rào cản” không dễ vượt qua.

Ông Vũ Văn Luyến, đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa - chủ đầu tư KCN An Phước cho biết: “Sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo sẽ thành lập phân khu công nghiệp hỗ trợ trong KCN, công ty đã tiến hành làm thủ tục. Nhưng khi thực hiện mới phát hiện vướng mắc rất lớn là phải xin ý kiến Chính phủ để tách dự án trên ra khỏi KCN và làm hồ sơ riêng cho phân khu như một dự án mới khác”.

Cũng theo ông Luyến, nếu phải làm hồ sơ xin tách riêng dự án thì doanh nghiệp sẽ phải xin cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đăng ký lại ngành nghề thu hút đầu tư... Trong khi nếu không tách rời dự án này, KCN An Phước vẫn thu hút các công ty FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo đúng chủ trương của UBND tỉnh. Do đó, doanh nghiệp trình bày với UBND tỉnh những khó khăn trên và đề nghị không tách riêng dự án ra.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Giang Điền - đơn vị đầu tư hạ tầng KCN Giang Điền cho rằng, dù chưa thành phân khu công nghiệp hỗ trợ nhưng công ty vẫn thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào diện tích trên và đã lấp đầy. “Thành lập phân khu công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ cũng không được hưởng ưu đãi gì thêm ngoài các ưu đãi chung cho công nghiệp hỗ trợ. Trong khi làm thủ tục để tách thành phân khu rất khó khăn” - bà Hạnh nói. 

* Không làm khó doanh nghiệp

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những năm gần đây, thu hút đầu tư trong nước, thu hút vốn FDI vào các KCN thì có đến 60% dự án là công nghiệp hỗ trợ. Đối với 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ mà UBND tỉnh dự tính thành lập nhưng còn vướng về thủ tục chưa tách được thì thực tế các công ty hạ tầng đã cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ thuê đất để sản xuất, đúng ngành nghề tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư. “Tách ra làm phân khu riêng cũng là thu hút công nghiệp hỗ trợ như hiện tại đang làm, nhưng thủ tục rườm rà, lại không được hưởng ưu đãi gì thêm sẽ gây khó cho chủ đầu tư hạ tầng các KCN” - ông Cao Tiến Sỹ cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Sở Công thương có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ những vướng mắc trong việc thành lập các phân khu công nghiệp hỗ trợ. Trong văn bản trình UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương nhấn mạnh: “Muốn thành lập các phân khu công nghiệp hỗ trợ, các công ty hạ tầng KCN phải tách riêng dự án và thực hiện nhiều thủ tục để điều chỉnh hồ sơ gồm: thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Trong khi phân khu công nghiệp hỗ trợ là một phần của KCN. Vì thế đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư các phân khu công nghiệp hỗ trợ”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hoạt động trong phân khu công nghiệp hỗ trợ bình thường nhưng không được hưởng ưu đãi gì nhiều hơn so với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình thường khác khi đầu tư vào KCN thì không nên nhất thiết phải thành lập. Trong các KCN chỉ cần quy định sẽ thu hút bao nhiêu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và những ngành nghề phải thu hút. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các KCN và đúng định hướng của tỉnh cũng như Chính phủ đề ra.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,092       2/1,133