Kinh tế

Siết cho vay bất động sản

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có một số chính sách siết chặt tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Một dự án bất động sản đang được xây dựng tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom
Một dự án bất động sản đang được xây dựng tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Ảnh:H.Quân

Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này được một số ngân hàng điều chỉnh tăng đã tác động tới thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

* Lãi suất vay bất động sản tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, lãi suất các khoản cho vay tiêu dùng và vay bất động sản tại nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai đã tăng từ 0,5-1% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, hiện phổ biến vào khoảng 10-13%/năm.

Phần lớn khoản vay vốn liên quan đến đầu tư bất động sản thường là những khoản vay trung và dài hạn. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có lộ trình, kế hoạch phù hợp trong việc sửa đổi, thay thế một số nội dung có liên quan tới Thông tư 36/2014 để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự ổn định của thị trường.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Đồng Nai cho biết, mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tại ngân hàng này vào khoảng 12-13%/năm, tăng từ 0,5-1%/năm so với thời điểm cuối năm 2018, trong đó mức lãi suất tăng chủ yếu ở các khoản vay trung và dài hạn để đầu tư bất động sản.

Tương tự, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Đồng Nai, hiện nay mức cho vay trung và dài hạn liên quan đến bất động sản đang ở mức 11-11,5%/năm, tăng 0,5-1%/năm so với thời điểm cuối năm ngoái.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến tháng 7-2019, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 33,4 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm 2019. Trong đó, hiện nay các khoản vay trung, dài hạn trong lĩnh vực này chiếm gần 32 ngàn tỷ đồng.

Khi phân theo mục đích sử dụng vốn vay, nhu cầu vay vốn về nhà ở vào khoảng gần 20,5 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay về nhà ở thương mại khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, nhà ở xã hội hơn 900 tỷ đồng, các loại nhà ở khác (không bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) vào khoảng 15,3 ngàn tỷ đồng...

* Thị trường bất động sản hạ nhiệt

Theo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh, bất động sản là lĩnh vực hạn chế cho vay nên các hồ sơ vay vốn được xét rất kỹ, khách hàng phải có tài sản thế chấp và khả năng thanh toán nợ tốt mới cho vay. Đây là lĩnh vực không ưu tiên nên lãi suất cho vay cũng cao hơn một số lĩnh vực khác.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai. Ảnh:H.Quân

Bà Chu Thị Lành, Trưởng phòng Kinh doanh bán lẻ của Ngân hàng thương mại cổ phẩn ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho hay, tổng dư nợ cho vay về bất động sản của ngân hàng trong 8 tháng của năm 2019 tăng nhẹ khoảng 8% so với thời điểm cuối năm 2018. Hiện nay, ngân hàng vẫn đang hạn chế các khoản cho vay đầu tư dự án bất động sản, đầu cơ nhà đất...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN).

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho hay, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua kém sôi động hơn so với năm ngoái, nhu cầu đầu tư về bất động sản, đặc biệt là đầu tư vào các dự án giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Các chính sách về tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn, từ đó tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản và khiến lượng giao dịch bất động sản giảm trong những tháng đầu năm nay.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng xem xét quyết định cho vay các công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính pháp lý, thu hồi nợ vay đầy đủ và đúng hạn, nhất là đối với các dự án bất động sản có quy mô lớn, phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự...

Theo đó, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40% như hiện nay dự kiến sẽ được hạ xuống còn 30% theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, dự thảo thông tư này cũng sẽ tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ này nếu được áp dụng dự kiến sẽ gây tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản thời gian tới.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,664       8/1,149