Xã hội

"Né" khám bệnh nghề nghiệp

Về nguyên tắc, người lao động không thể tự ý đi khám bệnh nghề nghiệp. Việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động có vượt mức quy định hay không, trong khi không ít doanh nghiệp thực hiện công tác đo kiểm môi trường chỉ để đối phó với các đoàn kiểm tra.

 Bác sĩ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: N.THƯ
Bác sĩ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: N.THƯ

Đó là một trong những lý do mà số người lao động chưa được khám bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn cao. Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai (thuộc Sở Y tế), trong năm 2015 toàn tỉnh có hơn 500 cơ sở lao động có yếu tố nguy cơ cao với gần 360 ngàn lao động đang làm việc trong môi trường độc hại, vượt mức quy định cho phép, nhưng mới chỉ có trên 15 ngàn lao động được khám bệnh nghề nghiệp.

* Người lao động thiệt thòi

Hậu quả lớn nhất của việc không được khám bệnh nghề nghiệp chính là phát hiện bệnh trễ, bệnh tiến triển nặng không có khả năng phục hồi. Như trường hợp ông Nguyễn T. (43 tuổi, công nhân Công ty P.S, huyện Nhơn Trạch). Suốt 4 năm qua, ông thường xuyên làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, dù có đeo nút tai nhưng thời gian gần đây, ông vẫn hay bị ù tai, nghe không rõ. Mới đây, khi công ty cho đi khám bệnh nghề nghiệp, ông mới biết mình bị giảm sức nghe 2 tai từ 26-35%, thuộc dạng điếc nghề nghiệp, không thể hồi phục thính lực như ban đầu.

Hiện có 30 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, đa số các tỉnh, thành trong cả nước mới triển khai khám được khoảng 8 bệnh nghề nghiệp. Riêng tại Đồng Nai, trước đây chủ yếu khám các bệnh nghề nghiệp, như: bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp, nhiễm độc chì, nhiễm nicotin. đến nay, đã khám thêm một số bệnh mới được bảo hiểm y tế chi trả, như: viêm phế quản nghề nghiệp, rung toàn thân, viêm gan virus, lao nghề nghiệp. Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh sẽ đầu tư hệ thống labo xét nghiệm vệ sinh lao động để có thể khám được nhiều bệnh hơn, chủ động hơn.
 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 27 trường hợp bệnh nghề nghiệp thì có đến trên 80% trường hợp bị điếc nghề nghiệp. Nhiều người lao động khi làm việc trong môi trường tiếng ồn nhưng không đeo nút tai vì cho rằng vướng víu, khó chịu. Tuy nhiên, có người đeo nút tai nhưng vẫn bị ảnh hưởng thính lực do tiếng ồn quá lớn.

Trên thực tế, không ít người lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, dù có sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động vẫn không đảm bảo an toàn. Anh Phạm Nguyên D., công nhân làm việc ở kho than trong nhà máy nhiệt điện của một công ty ở huyện Long Thành, cho biết mỗi ngày anh có 2 giờ làm vệ sinh trong kho than, dù có đeo khẩu trang nhưng mặt và mũi của anh vẫn dính đầy bụi than. “Làm việc trong môi trường độc hại, đeo khẩu trang đặc hiệu chỉ là một giải pháp tình thế, đôi khi không đạt hiệu quả cao. Song song với biện pháp trên cần phải có môi trường làm việc thông khí, nếu có bụi than thì phải làm ẩm bụi...” - bác sĩ Sang nói.

* Doanh nghiệp còn né tránh...      

TS.Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp (Viện Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh), cho biết hiện nay công tác khám bệnh nghề nghiệp trên cả nước vẫn còn nhiều hạn chế. Trong năm 2015, cả nước chỉ có trên 100 ngàn người lao động được khám bệnh nghề nghiệp trong khi riêng Đồng Nai đã có hơn 15 ngàn người lao động. đây là một con số khá ấn tượng.

Người lao động đo chức năng hô hấp để sàng lọc bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai.
Người lao động đo chức năng hô hấp để sàng lọc bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai.

Theo TS.Trịnh Hồng Lân, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến khám bệnh nghề nghiệp. Một số doanh nghiệp né tránh khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động vì sợ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, uy tín của mình.


Từ ngày 1-7-2016, Luật An toàn - vệ sinh lao động năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực, điều kiện người lao động được khám bệnh nghề nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Như hiện nay, tiêu chuẩn khám bệnh nghề nghiệp rất khó, tiêu chuẩn đo môi trường phải vượt giới hạn cho phép. Theo quy định mới, tiêu chuẩn đo môi trường không cần vượt giới hạn cho phép; đối với một số bệnh, chỉ cần có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ cũng được khám bệnh nghề nghiệp.

Biện pháp chế tài không đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp thực thi vì nếu như theo quy định hiện nay, không khám bệnh nghề nghiệp, không đo môi trường, mức xử phạt chỉ từ 5-10 triệu đồng, quá thấp so với chi phí bỏ ra để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Doanh nghiệp không “ngán” mà sẵn sàng nộp phạt. Vì vậy, rất cần một chế tài mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật.

Ngọc Thư
 





 

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,593,929       1/981