Xã hội

Tăng tốc ôn tập

Đến thời điểm hiện nay, các thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, và không có quyền thay đổi cụm thi, môn thi.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Long Khánh trong giờ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.  Ảnh: H.DUNG
Học sinh lớp 12 Trường THPT Long Khánh trong giờ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: H.DUNG

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có hơn 28 ngàn thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, cụm thi tốt nghiệp THPT có hơn 11 ngàn thí sinh và khoảng 17 ngàn thí sinh dự thi ở cụm đại học.

* Gấp rút ôn tập

Sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ 2 vào giữa tháng 4, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12.

Thầy Lê Văn Phê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh, cho biết từ đầu tháng 5 nhà trường sẽ tiến hành cho học sinh học 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, mỗi môn 4 tiết/tuần vào buổi sáng. Với môn thi thứ 4, nhà trường cho học sinh đăng ký và học ôn 4 tiết/tuần từ ngày 3 đến 28-5. Từ 30-5 đến cuối tháng 6, học sinh đăng ký và học theo nguyện vọng. “Trong số 454 học sinh khối 12, có 228 học sinh chọn môn tự chọn là Vật lý, tiếp đó là Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử (12 học sinh). Chỉ có khoảng 20 học sinh đăng ký 2 môn tự chọn, còn lại chỉ đăng ký 4 môn; 9 học sinh chọn cụm thi tốt nghiệp, chủ yếu để đi du học và xuất cảnh” - thầy Phê chia sẻ.

2 tháng gần kỳ thi cũng là lúc các học sinh chạy nước rút ôn tập. Nguyễn Công Vinh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Em chọn thêm 2 môn tự chọn là Vật lý và Hóa học. Ngoài giờ học chính trên trường, em còn học thêm buổi tối hầu hết các môn giống nhiều bạn trong trường. Nguyện vọng của em là xét vào Khoa Luật hành chính Trường đại học luật

TP.Hồ Chí Minh, và khoa cơ điện - điện tử Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh”.

* “Mách” phương pháp ôn tập

Để học sinh thi đạt kết quả cao, các thầy cô giáo đã “mách” học sinh cách ôn tập. Thầy Phạm Văn Đông, Tổ trưởng tổ Anh văn, Trường THPT Long Khánh, chia sẻ trong giai đoạn ôn tập nước rút, học sinh cần đọc nhiều, làm nhiều đề luyện tập dựa trên đề thi của những năm trước để thành thục những kỹ năng làm bài và hiểu được nội dung đề yêu cầu. Những học sinh nào chọn môn Tiếng Anh để xét tuyển vào đại học cần nâng cao hơn nữa kỹ năng viết. Phần viết luận trong đề thi là phần để phân hóa trình độ của học sinh. Những đề tài yêu cầu học sinh viết luận thường mang tính phổ quát. Học sinh nên viết theo dạng cơ bản, biết triển khai ý tưởng, sắp xếp câu từ, ngữ pháp là có thể đạt được điểm.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc tổ chức ôn thi THPT quốc gia 2016, các trường THPT chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia tổ chức ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, biên soạn đề kiểm tra, ôn tập theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Với các môn xã hội, cần nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị gắn với quê hương, đất nước. Với môn Ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

“Trong quá trình dạy, tôi nhận thấy tỷ lệ học sinh có thể viết bài luận tốt chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, hạn chế của đa số học sinh là còn nhiều sai sót về mặt ngữ pháp, sắp xếp câu chưa đúng, dùng từ đôi khi còn chưa chuẩn. Học sinh cần khắc phục những hạn chế này” - thầy Đông bộc bạch.

Với môn Ngữ văn, cô Lê Thị Phương, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Long Phước (huyện Long Thành), cho rằng: “Câu hỏi đề mở trong đề thi có thể là thuận lợi đối với những học sinh khá, giỏi, có tư duy tốt, nắm được tình hình thời sự kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước. Ngược lại, những học sinh nào chậm cập nhật tình hình thời sự sẽ gặp một phần khó khăn với dạng câu hỏi này”.

 Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên tổ Ngữ văn thường xuyên cập nhật tình hình thời sự và nhắc nhở học sinh để tâm đến những vấn đề lớn, như: vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, biến đổi khí hậu... Để làm được bài thi môn Ngữ văn đạt điểm cao, học sinh cần chú ý đến các kỹ năng, như: đọc hiểu văn bản, kỹ năng viết đoạn văn, tạo lập văn bản, kỹ năng nhận thức đề. Bên cạnh đó, khi làm bài học sinh cần chú ý tới cách trình bày, không dùng viết xóa, viết hoa đúng chỗ. Với dạng đề viết một đoạn văn, học sinh cần biết cách sắp xếp ý theo đúng yêu cầu đề ra, viết đúng, đủ số lượng chữ mà đề bài yêu cầu. Đề bài ra dạng mở nhưng vẫn bám sát chương trình thực tiễn.

Cô Phương cũng nhấn mạnh, thông thường phần liên hệ thực tế mà đề bài yêu cầu sẽ xoay xung quanh ý nghĩa giáo dục và trách nhiệm của công dân, của những người trẻ trong cuộc sống hiện tại cũng như sau này.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,590,072       1/958