Xã hội

Bài 2: Nâng chất bữa ăn cho công nhân

Chất lượng bữa ăn của công nhân thấp, rõ ràng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến việc tái tạo sức lao động. Đây cũng chính là vấn đề đã và đang được các cấp, các ngành và cộng đồng các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm...

TIN LIÊN QUAN
Chất lượng bữa ăn của công nhân thấp, rõ ràng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến việc tái tạo sức lao động. Đây cũng chính là vấn đề đã và đang được các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống tận chỗ ngồi của công nhân để chia sẻ những khó khăn khi chất lượng bữa ăn giữa ca còn thấp trong buổi đối thoại với công nhân vào ngày 30-4. Ảnh: Huy Anh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những khó khăn khi chất lượng bữa ăn giữa ca còn thấp tại buổi đối thoại với công nhân vào ngày 30-4. (Ảnh: Huy Anh)

Tại buổi gặp gỡ mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và khoảng 3 ngàn công nhân của 8 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Đồng Nai, chất lượng bữa ăn công nhân cũng là một trong những vấn đề được các công nhân kiến nghị với Thủ tướng...

Theo thông tin từ Liên đoàn lao động tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1 triệu lao động, trong đó, có tới gần 800 ngàn lao động làm việc trong các khu công nghiệp tập trung với 60% là dân nhập cư. Hiện tại, mức lương chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, đời sống công nhân còn nhiều khó khăn. Đi đôi với đó là vấn đề thiếu nhà ở và trường học cho công nhân và con em của họ, chất lượng bữa ăn còn thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục quan tâm, kiến nghị đến Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập của người lao động để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của công nhân lao động và có tích lũy.

* Tăng cường giám sát bếp ăn tập thể

Trao đổi với công nhân tại buổi gặp gỡ nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng bữa ăn giữa ca thấp là một vấn đề lớn, liên quan đến sức khỏe người lao động, sức khỏe của giống nòi. Muốn cho bữa ăn công nghiệp đảm bảo vệ sinh thì phải kiểm soát từ các nguồn thực phẩm cung cấp từ bên ngoài thị trường. Việc này, Chính phủ giao cho các cấp, các ngành và phải siết chặt trong thời gian tới. Riêng đối với các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có biện pháp để bắt buộc đạt chuẩn vệ sinh bữa ăn công nghiệp.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, muốn làm tốt việc này phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương và của tổ chức công đoàn. Việc đầu tiên, công đoàn cơ sở phải làm là công khai, giám sát thực đơn, giá cả từng bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10 ngàn, hay 15 ngàn đồng, cũng phải công khai; quyết không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, không để bữa ăn công nhân bị bớt xén.

Thủ tướng nhấn mạnh, để tìm được nguồn thực phẩm sạch, trước hết phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp sử dụng là mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào, để nếu có xảy ra ngộ độc thì lãnh đạo xã, phường, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm.

Trong thời gian tới các ngành chức năng của tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai kiểm tra một bếp ăn tập thể ở KCN Long Bình (TP.Biên Hòa)
Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai kiểm tra một bếp ăn tập thể ở KCN Long Bình (TP.Biên Hòa)

Tại Đồng Nai, trong năm 2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh đã tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể: trung bình mỗi tuần, kiểm tra 6 bếp ăn. Riêng từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra đã xử phạt 6 cơ sở với mức phạt gần 22 triệu đồng, gồm các lỗi như: cơ sở vật chất không đảm bảo, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, người làm bếp không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe cho người nấu ăn và phục vụ bếp...

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, chi cục sẽ tiếp tục công khai tên các cơ sở vi phạm lên website của chi cục.

* Cần có quy định về giá suất ăn công nghiệp

Từ đầu năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã triển khai Nghị quyết của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động cho các công đoàn cơ sở. Trong đó khẳng định, việc quan tâm chăm lo bữa ăn ca của người lao động là trách nhiệm của các cấp công đoàn. Theo đó, sức khỏe của người lao động phải được đặt lên hàng đầu; các doanh nghiệp phải đảm bảo giá trị bữa ăn ca của người lao động là 15 ngàn đồng/suất.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai kiểm tra một bếp ăn tập thể ở KCN Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom)
Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai kiểm tra một bếp ăn tập thể ở KCN Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom)

Ông Đoàn Văn Đây, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, Nghị quyết của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ sở quan trọng để các cấp công đoàn chủ động đưa chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động vào thỏa ước tập thể để thỏa thuận với chủ doanh nghiệp, làm cơ sở đối thoại giữa người lao động với chủ doanh nghiệp.

Trong 4 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 21 mô hình điểm bếp ăn tập thể. Đây là mô hình tốt, nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm mà Đồng Nai là một trong số ít tỉnh, thành đã triển khai được. Tuy nhiên, con số này còn rất thấp so với số lượng bếp ăn tập thể tỉnh đang quản lý là 350 bếp (cung cấp từ 200 suất ăn trở lên).

Thực hiện mô hình điểm bếp ăn tập thể sẽ có nhiều cái lợi cho doanh nghiệp khi được hỗ trợ các biện pháp nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo con người đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, có đánh giá công nhận hàng năm. Tuy nhiên, do kinh phí hỗ trợ mỗi bếp ăn tập thể khá cao, khoảng 50 triệu đồng/bếp từ nguồn trung ương (nay trung ương đã ngưng cấp) nên việc triển khai còn khó khăn. Trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai sẽ tiếp tục có kiến nghị hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.

Cũng theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, trên thực tế, giá trị bữa ăn ca ở mức 15 ngàn đồng/suất là vẫn còn thấp so với giá cả thị trường, những người lao động nặng nhọc sẽ khó đảm bảo sức khỏe để làm việc lâu dài. Vì vậy, các cấp công đoàn của tỉnh cần vận động, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức suất ăn công nghiệp từ 17 ngàn - 20 ngàn đồng trở lên.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai thì cho rằng, cần có quy định mức giá của suất ăn công nghiệp cho từng loại hình lao động nặng, nhẹ, để thực hiện đồng bộ, kèm các chế tài xử phạt, lúc đó các doanh nghiệp mới chấp hành nâng mức suất ăn cho công nhân lên. Thực tế hiện nay, khi đi kiểm tra các bếp ăn tập thể, nếu thấy mức giá suất ăn thấp, thì chỉ có cách vận động doanh nghiệp nâng mức giá lên, còn việc họ có thực hiện hay không là quyền của họ.

Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết, mức giá tối thiểu 15 ngàn đồng/suất ăn công nghiệp chỉ là cơ sở để vận động chủ doanh nghiệp chứ không phải bắt buộc, vì Chính phủ chưa quy định. Tuy nhiên, nếu bữa ăn quá thấp, kém chất lượng, gây ngộ độc thực phẩm thì công đoàn có thể đại diện cho công nhân khởi kiện doanh nghiệp. Trong thời gian tới, công đoàn các cấp phải chú trọng thực hiện vấn đề này để bảo vệ sức khỏe, cũng như quyền lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,587,948       2/948