Xã hội

Sống nhờ… bệnh viện

Những người sống nhờ... bệnh viện luôn tìm nhiều cách để mưu sinh. Họ có thể là những người từ nơi khác đến bệnh viện mưu sinh và cũng không ít trường hợp "đặc biệt" là người đi chăm sóc người thân nằm viện, điều trị "trường kỳ" ở bệnh viện.

Những người sống nhờ... bệnh viện luôn tìm nhiều cách để mưu sinh. Họ có thể là những người từ nơi khác đến bệnh viện mưu sinh và cũng không ít trường hợp “đặc biệt” là người đi chăm sóc người thân nằm viện, điều trị “trường kỳ” ở bệnh viện.

Thợ làm chìa khóa di động Hai Nhân “hành nghề” trước cổng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Thợ làm chìa khóa di động Hai Nhân “hành nghề” trước cổng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Ngoài các hàng quán buôn bán tấp nập ở trước cổng các bệnh viện, bên trong bệnh viện có không ít người tất bật kiếm tiền từ các “dịch vụ” chỉ có riêng ở bệnh viện, như: giữ chỗ, xếp hàng “thuê” cho những bệnh nhân ở xa đến khám bệnh, thanh toán hộ tiền viện phí…

Mưu sinh bất đắc dĩ

Tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, mỗi ngày có hàng ngàn người đến thăm khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ở đây không chỉ là nơi cứu chữa cho những ai ốm đau, bệnh tật mà còn là chỗ mưu sinh của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Kiếm tiền ở nơi vốn đông người qua lại những tưởng sẽ dễ dàng, nhưng những người buôn bán trong bệnh viện lúc nào cũng trong tình thế vừa bán vừa chạy, tránh sự kiểm soát của bảo vệ bệnh viện.

“Mỗi ngày, tôi bán khoảng 200 tờ vé số mới mong có đủ tiền “tạm trú” ở đây. Lâu dần thành quen, bệnh viện vừa là nơi nuôi chồng vừa là nơi mưu sinh của tôi. Buổi tối, tôi ngủ lại đây để không phải tốn tiền ở trọ; chồng nằm trên giường bệnh, tôi lót tấm chiếu nằm dưới gầm giường là xong. Ở đây, người qua lại đông, bán vé số được coi là dễ kiếm tiền nhất. Tuy vậy, nghề này không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, tôi bị bảo vệ bệnh viện đuổi riết à…” - chị Trần Thị Phượng bộc bạch.

“Buôn bán trong bệnh viện bị cấm nên phải ngó trước nhìn sau, không dám đứng một chỗ lâu và phải nắm rõ lịch trình, giờ giấc hoạt động của từng khu vực điều trị, thăm khám… Vì thế, những người bán vé số ở đây đều có kinh nghiệm, biết rõ từng ngõ ngách, các phòng, khoa ở bệnh viện” - chị Trần Thị Phượng (34 tuổi) vừa nói vừa đảo mắt nhìn quanh hành lang khu điều trị của Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Chị Phượng là người bán vé số có thâm niên, từ lúc nuôi chồng chạy thận cho đến nay đã hơn 5 năm. Ngoài thời gian chăm sóc chồng, chị Phượng tranh thủ tất bật với những tờ vé số, bán báo dạo cho những người thân chờ bệnh nhân ở bệnh viện để kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải chi phí điều trị đắt đỏ, giúp chồng có thêm điều kiện giành giật sự sống.

Chị Phượng cho biết thêm bán vé số ở bệnh viện là việc mưu sinh bất đắc dĩ. Chồng chị là bệnh nhân chạy thận định kỳ ở bệnh viện. Từ chỗ mỗi tháng chỉ chạy thận 1-2 lần, đến nay chồng chị trở thành “khách quen” của bệnh viện, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của, cuộc sống vì thế mà trở nên túng thiếu. Sau khi gửi con cho ông bà chăm sóc, vợ chồng chị Phượng quyết định khăn gói lên đây vừa chữa bệnh vừa mưu sinh.

Lực lượng bán vé số trong bệnh viện khá đông và có mặt khắp nơi, từ hành lang, khu khám bệnh đến “thâm nhập” vào tận giường bệnh, khu điều trị. Vì thế, chuyện họ bị bảo vệ bắt gặp rồi đuổi đi, dẫn đến cự cãi không phải là hiếm. Nhằm đảm bảo trật tự cho bệnh viện, đội ngũ bảo vệ nhiều lần ra tay dẹp, nhưng vẫn có nhiều người “trụ” được với công việc này.

Ông Nguyễn Văn Út (43 tuổi) cho hay để đối phó với bảo vệ bệnh viện, ông thường phải là ngụy trang, che chắn “đồ nghề” cẩn thận, nhiều khi phải giả như người đi thăm, khám bệnh. Nhưng làm lâu cũng quen mặt nên đơn giản nhất vẫn là thấy bảo vệ đến thì lẩn, vắng bóng họ lại bán, thanh toán thật nhanh. Người nào không chạy kịp, bị bảo vệ bắt được rồi đuổi không cho xuất hiện ở đây mà phải đi nơi khác “làm ăn”. “Với người lành lặn có thể chạy được, còn tôi bị đau một chân nên không thể chạy nhanh. Thời gian gần đây, tôi không “bám” giường bệnh, hành lang bệnh viện để mưu sinh nữa, mà chuyển ra gần bãi giữ xe bán vé số. Bán ở đây ít người mua nhưng không bị đuổi, có thể ngồi cả ngày cũng chẳng sao” - ông Út nói.

Hàng ngày, ông Út vẫn ngồi dưới hàng cây gần khu điều trị ngoại trú của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với công việc bán vé số. Ông thường lo những hôm trời mưa, vé số ế nhiều, tiền lời không được bao nhiêu. Dù vậy, so với các “đồng nghiệp” buôn bán thậm thụt, nơm nớp lo sợ bị bắt gặp hay phải len lỏi giữa hàng trăm người trong bệnh viện ông vẫn còn may mắn.

* Những “dịch vụ” nhanh gọn

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ở khu vực thanh toán viện phí có rất đông người chầu chực để chờ thanh toán viện phí trước khi xuất viện. Nhiều người cho hay, những ngày đầu tuần, khi họ đến thanh toán viện phí phải đứng chờ rất lâu khiến ai nấy đều ngán ngẩm. Nếu không muốn xếp hàng vất vả, thì họ có thể thuê người sẵn sàng đứng ra nhận làm thay công việc này.

“Tôi thường xuyên đến nằm điều trị bệnh tại bệnh viện này. Đứng chờ thanh toán viện phí có khi phải xếp hàng dài, đợi cả giờ đồng hồ. Do ngại đứng chờ nên nhờ những người đi thanh toán viện phí thuê nhận làm giúp. Mỗi lần như thế mất khoảng 30 ngàn đồng, nhưng mình không phải mất công chen lấn, chờ đợi” - ông Nguyễn Thành Đồng (52 tuổi) chia sẻ.

Bán vé số tại hành lang bệnh viện cho người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Bán vé số tại hành lang bệnh viện cho người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người kiếm tiền từ “dịch vụ” này dạo trước hoạt động ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ (phường Quyết Thắng). Từ khi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới dời về phường Tam Hòa, họ cũng rủ nhau tới đây hành nghề. Mỗi ngày, nếu kiếm được chừng chục lời đề nghị thanh toán hộ tiền viện phí thì họ có thể “sống khỏe”. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thuận lợi, mà phải phụ thuộc vào lượng bệnh nhân có đông hay không.

Còn trước cổng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, thời gian gần đây “dịch vụ” sửa khóa di động khá đắt khách. Chỉ với chiếc máy cắt chìa nhỏ gọn buộc chặt trên xe máy, anh Hai Nhân (31 tuổi) vẫn có thể hành nghề linh hoạt. Khách hàng của anh là những người vừa bước ra từ nhà xe bệnh viện. Đa số đều bị mất chìa khóa xe, khóa nhà do bất cẩn làm mất ở chỗ đông người.

“Nếu thấy xe máy dắt bộ từ trong đó ra là kiểu gì cũng bị mất chìa khóa. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để làm chìa khóa vì không muốn chịu cảnh dắt bộ. Tôi có đầy đủ khóa to, khóa nhỏ, từ loại đắt tiền, khóa số đến khóa của những xe máy đắt tiền. Đứng cả ngày giữa trời mưa nắng thất thường khá vất vả, nhưng kiếm tiền ở đây dễ hơn vì khách hàng lúc nào cũng có” - anh Hai Nhân tâm sự.

Thanh Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,572,353       4/984