Xã hội

Chắp cánh cho sự trưởng thành

Qua 25 năm hình thành và phát triển, đến nay Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) đã đào tạo được trên 163,5 ngàn học viên trình độ từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng với 27 ngành nghề khác nhau.

Giáo viên Trường cao đẳng nghề số 8 hướng dẫn học  viên thực hành. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường cao đẳng nghề số 8 hướng dẫn học viên thực hành. Ảnh: C.Nghĩa

Trường cao đẳng nghề số 8 được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tuyển sinh và đào tạo nghề cho học viên dân tộc thiểu số và bộ đội xuất ngũ. Nhiều học viên là người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ đã trưởng thành từ ngôi trường này và đang tích cực cống hiến cho xã hội.

Trưởng thành từ trường nghề

Chị Tô Thúy Lan, người dân tộc Chơro (ngụ xã Phú Bình, huyện Tân Phú) sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề số 8 được giữ lại trường làm công tác quản lý học viên. Hiện chị Lan đảm trách nhiệm vụ Phó trưởng hệ quản lý học viên. Chị Lan cho biết: “Từ khi bước chân vào học và làm việc ở trường, tôi luôn được hỗ trợ và tạo điều kiện học tập và làm việc tốt nhất. đây là điều mà trước đây tôi không hề dám nghĩ tới”.

Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp ra trường, trở về địa phương đã phát huy được năng lực của mình vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Trong số đó có chị Hoàng Thị Kiều, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất); anh Dương Văn Nụm, hiện là Xã đội trưởng xã Phước Bình (huyện Long Thành). Hay như anh Quách Trọng Thụy, sau khi được học nghề tại trường và bồi dưỡng kiến thức đã là Xã đội trưởng xã Suối Nho (huyện Định Quán). 

Còn chị Lương Thị Lan Anh, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp y sĩ được cử về xã Sông Ray công tác và đang đảm trách nhiệm vụ Phó trưởng trạm y tế xã. Chị Anh cho biết: “Nhờ những kiến thức thực tế học tại Trường cao đẳng nghề số 8, sự hỗ trợ tối đa về học phí, nơi ăn ở của trường và của tỉnh mà chúng tôi đã an tâm học tập tốt”.

Trường cao đẳng nghề số 8 có 27 ngành nghề đào tạo khác nhau, trong đó có nhiều ngành kỹ thuật, như: hàn công nghiệp, điện tử, điện lạnh, công nghệ ô tô… Đây là những ngành ngày càng được doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Do đó, học viên dân tộc thiểu số và bộ đội xuất ngũ rất thuận lợi cho việc chọn ngành học, đơn vị thực tập và làm việc.

Một trong số học viên dân tộc thiểu số rất thành công với học nghề kỹ thuật, đó là anh Vòng Cường Hậu (dân tộc Hoa, huyện Định Quán). Khi còn là học viên của trường, anh Hậu từng đoạt giải nhất hội thi tay nghề toàn quốc và được công nhận là tay nghề trẻ xuất sắc tại Hội thi tay nghề trẻ ASEAN (năm 2013). Sau khi tốt nghiệp nghề hàn, anh Hậu ở lại trường làm giảng viên trước khi ra doanh nghiệp làm việc và được doanh nghiệp đánh giá cao về kiến thức lẫn khả năng làm việc thực tế.

Đổi mới để hội nhập

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8 Phạm Hoài Bắc chia sẻ, đứng trước tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trường đã chủ động đón những cơ hội và vượt qua thách thức. Đến nay các nghề đào tạo của trường đã đạt chuẩn quốc gia, một số nghề đã đạt chuẩn của khu vực ASEAN. Các nghề, như: công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, hàn và điện công nghiệp đã được tổ chức City & Guilds thuộc Hội đồng nghề Vương quốc Anh công nhận.

Để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN mới được thành lập, trong năm học 2016-2017 Trường cao đẳng nghề số 8 liên kết với 2 học viện của Úc là Chisholm và  Tafe New South Wales đào tạo 24 học viên các nghề đầu tiên theo trình độ quốc tế, như: điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, quản trị và kế toán doanh nghiệp. Trường tiếp tục chuẩn hóa điều kiện về cơ sở vật chất để tiếp nhận chương trình đào tạo trình độ quốc tế về công nghệ ô tô của Cộng hòa Liên bang Đức.

Với nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút học viên, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và bộ đội xuất ngũ, Trường cao đẳng nghề số 8 còn liên kết với nhiều doanh nghiệp không chỉ tại Đồng Nai mà còn các địa phương lân cận, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ban giám hiệu nhà trường, trong số trên 10 ngàn học viên là bộ đội xuất ngũ đã tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, có tới trên 90% được giới thiệu việc làm ổn định với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Trường đã và đang mở hướng đi mới, giúp học viên ra trường có cơ hội được đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Học viên Phạm Xuân Hòa, Khoa Điện tử công nghiệp, cho biết: “Tôi xuất ngũ từ đầu năm 2014 và chuẩn bị hoàn thành chương trình cao đẳng nghề điện tử công nghiệp. Chương trình đào tạo tại trường khá chặt chẽ, có nhiều thời gian thực hành nên tôi tiếp thu khá nhanh. Tôi còn được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề ngay sau khi học hết năm đầu tiên và rất mong sớm được đi làm để có thu nhập”.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8, Đại tá, TS.Trần Anh Thu cho biết, trường đã và đang không ngừng phát triển mạnh để hội nhập quốc tế về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy nghề và thực hành. Một trong những khâu đột phá quan trọng, đó là đội ngũ giảng viên chất lượng cao đã và đang được nhà trường tiếp tục cử đi đào tạo, đáp ứng đủ trình độ trong tình hình công nghệ liên tục thay đổi. Trường sẽ dồn toàn lực và quyết tâm tới năm 2020 sẽ trở thành trường nghề chất lượng cao theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong buổi làm việc với Trường cao đẳng nghề số 8 mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đánh giá cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề của trường, nhất là với các học viên là bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trường đã góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo nên sự phát triển chung của Đồng Nai. Đồng chí đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm đầu ra và thu hút ngày càng nhiều học viên người dân tộc theo học tại trường.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,569,356       3/1,125