Xã hội

Lại "trận đánh lớn" trong giáo dục?

Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm khi Bộ GD-ĐT cho biết ngày 28-9 sẽ công bố những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.

Học sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) biểu diễn flashmob trong ngày khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) biểu diễn flashmob trong ngày khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: Công Nghĩa

Rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và tự hỏi tại sao Bộ GD-ĐT liên tục thay đổi những quyết sách khi mà học sinh chưa theo kịp hàng loạt đổi mới trong giáo dục thời gian qua? Còn nhớ, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự hứng khởi khi nói rằng quyết định đổi mới kỳ thi này là một “trận đánh lớn”. Thế nhưng, ngay sau “trận đánh lớn” phụ huynh đã “te tua” khi rất nhiều người dở khóc dở cười vì phải nháo nhào, chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con. Sau đó, chính vị lãnh đạo đã tuyên bố hùng hồn như trên thừa nhận có những phát sinh không lường trước, và gửi lời xin lỗi đến nhân dân. Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, hàng chục năm qua Bộ GD-ĐT đã thể hiện hàng loạt những bất cập khiến nền giáo dục trong nước thiếu sự ổn định, gây mất niềm tin của xã hội.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cơ bản có nhiều thay đổi. Song người dân quan tâm là cách thi như thế nào để quá trình học có giảm gánh nặng cho học sinh, kết quả thi đạt hiệu quả mới là điều quan trọng. Bởi lâu nay, thi cử ở Việt Nam là cuộc chạy đua căng thẳng, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi không chỉ của học sinh, phụ huynh mà cả xã hội. Theo Bộ GD-ĐT, phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2017 sẽ chỉ còn 5 bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đáng kể là các bài đều thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Văn) đã làm cho nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 không khỏi thắc mắc và đứng ngồi không yên.

Ngày 27-9, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với đại diện Hội Toán học Việt Nam xung quanh dự kiến thi trắc nghiệm môn Toán tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Tại cuộc trao đổi, đại diện Hội Toán học Việt Nam cũng băn khoăn về việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của học sinh… Từ đó, Hội đề nghị tạm hoãn thi trắc nghiệm môn Toán vào năm 2017. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng do đã có sự chuẩn bị từ trước nên việc tổ chức thi Toán theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là hoàn toàn khả thi.

Bản thân tôi khi đọc những thông tin về dự kiến đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng rơi vào trạng thái mệt mỏi và thấy thương cho học sinh. Bởi lẽ, với việc đổi mới cách thi thì phương án giảng dạy sao cho phù hợp sẽ được các trường nghiên cứu, áp dụng. Trong khi đó, tình trạng dạy thêm tràn lan vẫn đang là bài toán hóc búa cho ngành giáo dục vì không biết phải giải quyết tận gốc như thế nào. Do đó, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết việc đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 sẽ đem lại kết quả gì, hay lại là “trận đánh lớn” rồi sau đó cũng phải ngồi lại với nhau để… rút kinh nghiệm?

Theo tôi, cốt lõi vấn đề ở chỗ dạy và học ra sao để quyết định đến kết quả học tập của học sinh là điều cần xem xét. Điều đáng nói, thời gian qua dù học bù đầu ở nhà trường cũng như tại nhà thầy, cô nhưng kiến thức của học sinh chưa thể khẳng định là đã khá hơn, có phù hợp với thực tế không. Điều này trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã chỉ rõ. Đơn cử kỳ thi THPT năm 2016, Đồng Nai có hàng ngàn học sinh bị điểm liệt. Số học sinh này chắc chắn phần đông đều đi học thêm. Vậy chất lượng giảng dạy tại trường ra sao, rồi học thêm ở nhà thầy cô giáo có đạt hiệu quả hay chỉ là “nhồi nhét” những vấn đề mà học sinh chưa kịp tiếp thu lại phải chạy theo phương thức mới để theo kịp với sự đổi mới của ngành giáo dục?

Là phụ huynh ai cũng mong con mình học hành đàng hoàng để không thua kém bạn bè. Nhưng với những thay đổi xoành xoạch của ngành giáo dục, rất nhiều cha mẹ đã ngán ngẩm với nền giáo dục trong nước, nhất là thi cử. Chỉ tội cho học sinh phải căng đầu ra đón nhận những đổi mới trong thi cử chẳng khác gì “chuột bạch” thử nghiệm hết đợt này đến đợt nọ.

Duy Đình (TP.Biên Hòa)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,566,329       14/1,226