Xã hội

Học bổng Tiếp bước cho em đến trường: Những tín hiệu vui

Ban Chỉ đạo cuộc vận động Tiếp bước cho em đến trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ra mắt quỹ và trao học bổng đợt 1 cho 100 học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học trong tỉnh vào năm 2010.

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung trao học bổng Tiếp bước cho em đến trường năm học 2015-2016 cho học sinh. Ảnh: H.DUNG
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung trao học bổng Tiếp bước cho em đến trường năm học 2015-2016 cho học sinh. Ảnh: H.DUNG

Từ đó đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã tích cực ủng hộ cho quỹ học bổng. Nhờ thế, có thêm nhiều học sinh khó khăn được giúp đỡ kịp thời, không phải bỏ học giữa chừng, có điều kiện nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình.

SỐ HỌC SINH BỎ HỌC GIẢM

6 năm trước, trong thư kêu gọi ủng hộ cho quỹ học bổng có đoạn: “Trong những năm gần đây, tình trạng các em học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn còn nhiều, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, trong 2 năm học 2008-2010, trên địa bàn tỉnh có trên 8 ngàn học sinh bỏ học. Đây là vấn đề đòi hỏi cả xã hội cùng quan tâm chăm lo và có hành động thiết thực”.

Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bỏ học, trong đó có không ít trường hợp không thể đến trường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mồ côi cha, mẹ, cha mẹ ly dị phải ở với người thân quen, bản thân các em bị bệnh trong khi gia đình không có điều kiện chữa trị… Thấu hiểu những điều đó, các thành viên trong ban chỉ đạo cuộc vận động đã đi sâu, đi sát, nắm hoàn cảnh của từng học sinh trên địa bàn để kịp thời đề xuất, trao những suất học bổng không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên về mặt tinh thần, giúp các em không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngày 15-10, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cuộc vận động Tiếp bước cho em đến trường tỉnh Đồng Nai tổ chức trao học bổng đợt 8 năm học 2016-2017 cho 250 học sinh hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học trong tỉnh với tổng số tiền 938 triệu đồng.

Nhờ sự quan tâm tận tình đó mà đến năm học vừa qua, số học sinh bỏ học trên toàn tỉnh giảm xuống còn 2,4 ngàn em, chiếm 0,5% tổng số học sinh. Trong đó, nguyên nhân bỏ học do học yếu chiếm hơn 43%; do hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm hơn 14%; còn lại do nhà xa trường, do thiên tai, dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khác. Số học sinh THPT bỏ học chủ yếu ở các trường ngoài công lập và một số trường công lập ở vùng nông thôn.

QUYẾT TÂM THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với ý chí, quyết tâm và nghị lực muốn tiếp tục đến trường, học được những điều hay, lẽ phải để làm chủ cuộc đời đã giúp nhiều học sinh vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình trong số đó là Nguyễn Trọng Nhân (huyện Trảng Bom). Nhân mồ côi mẹ từ nhỏ, sau đó lại mất cha vì căn bệnh hiểm nghèo. Từ ngày cha mất, Nhân sống một mình trong điều kiện rất khó khăn. Thương Nhân, thầy cô, bạn bè trong Trường THPT Trần Quốc Tuấn thường xuyên đến nhà an ủi, động viên cố gắng vượt qua. Năm 2010 khi học lớp 12, Nhân được nhận học bổng Tiếp bước cho em đến trường lần đầu tiên. Đây là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao giúp Nhân luôn học tốt, rèn luyện tốt và thi đậu vào khoa công nghệ thông tin Trường đại học công nghệ Đồng Nai một năm sau đó. Năm 2011, mặc dù không thuộc diện được nhận học bổng Tiếp bước cho em đến trường vì đã là sinh viên, nhưng xét thấy hoàn cảnh của Nhân rất đặc biệt nên ban chỉ đạo quyết định trao học bổng cho Nhân lần thứ 2 trị giá 3 triệu đồng. Trong suốt 4 năm học tập trên giảng đường, Nhân luôn nỗ lực để học tốt, rèn luyện tốt. Đến nay, Nhân đã ra trường và có việc làm, có thể tự trang trải cho cuộc sống của mình.

Em Nguyễn Minh Trí (lớp 9/6 Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cùng bà hái rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ảnh: H.DUNG
Em Nguyễn Minh Trí (lớp 9/6 Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cùng bà hái rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ảnh: H.DUNG

Hay trường hợp của Ngô Văn Toàn (huyện Nhơn Trạch), nhận học bổng năm 2014 khi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn, phải đi ở trọ nhưng Toàn luôn là học sinh giỏi, một cán bộ Đoàn năng nổ, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện, như: giải nhì hội thi kể chuyện Gương sáng làm theo Bác; giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý; nhận được nhiều học bổng của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh… Với quyết tâm, nghị lực và ý chí vươn lên, Toàn đã thi đậu vào Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Hiện cậu sinh viên năm thứ 2 đang tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện, tham gia nhiều hoạt động bổ ích ở trường đại học và mong muốn sau này có công việc làm ổn định, có thể phụ giúp gia đình vơi bớt phần nào khó khăn.

Hay tấm gương của em Nguyễn Minh Trí (lớp 9/6 Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) nhận học bổng năm 2015. Dù bị khuyết tật tay trái, mồ côi cha, mẹ bị bệnh bỏ nhà đi để 2 anh em Trí ở với bà ngoại và người cậu bị tai nạn giao thông trong căn nhà tạm nhưng Trí luôn cố gắng chăm ngoan, học tốt. Ngoài giờ học trên lớp, Trí lại giúp bà ngoại làm việc nhà và chỉ bảo em gái làm bài tập. Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, Trí trở thành tấm gương sáng để nhiều bạn bè noi theo.

HỌC BỔNG NHÂN VĂN

Bà Phạm Thị Kim Chung, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: “Học bổng Tiếp bước cho em đến trường nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao tiếp tục vững bước đến trường. Qua đó cho thấy sự quan tâm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân luôn sẵn lòng chung tay vì sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của thế hệ trẻ tỉnh nhà. Điều đặc biệt là trong cả nước hiện chỉ còn tỉnh Đồng Nai duy trì được học bổng này cho đến nay”.

Theo đó, học bổng của mỗi học sinh sẽ được quy thành sổ tiết kiệm. Sổ này do Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện quản lý, mỗi năm học sẽ rút 2 đợt để trao tận tay học sinh để các em đóng tiền học ở trường hoặc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập…

Bà Nguyễn Thị Chi, Trưởng ban Gia đình và xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) - người trực tiếp xuống tận nhà, trường học của học sinh được nhận học bổng, bộc bạch: “Có đi mới thấy trong tỉnh còn rất nhiều trường hợp học sinh có hoàn cảnh thương tâm. Mới còn nhỏ tuổi nhưng nhiều em đã phải chịu nỗi mất mát quá lớn. Có em mồ côi cha mẹ, bị ung thư, khuyết tật; có em là lao động chính trong gia đình, vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống… Học bổng Tiếp bước cho em đến trường đã góp phần giúp đỡ các em vượt qua phần nào nỗi mất mát ấy. Tuy nhiên, để các em vững tin đến trường, theo đuổi ước mơ, trở thành những công dân có ích cần nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ hơn nữa từ phía cộng đồng”.

Chị Diệp Thị Thôi (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch,  mẹ của em Diệp Trọng Đạt, lớp 5/6 Trường tiểu học Đại Phước), chia sẻ học bổng Tiếp bước cho em đến trường là nguồn động viên, hỗ trợ lớn đối với 3 mẹ con chị. Để nuôi dưỡng các con được tốt hơn, chị nhận làm thuê ở một xưởng gỗ gần nhà với mức lương 140 ngàn đồng/ngày. Dù khó khăn đến mấy, chị cũng quyết không để các con phải nghỉ học giữa chừng, để ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ của cậu con trai Trọng Đạt một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,563,187       3/990