Xã hội

Đầu tư thiết bị tiên tiến còn để lãng phí

Thực hiện đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư mua sắm hàng loạt thiết bị dạy học tiên tiến cho các trường phổ thông trong tỉnh.

Thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư mua sắm hàng loạt thiết bị dạy học tiên tiến cho các trường phổ thông trong tỉnh.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) giám sát việc sử dụng thiết bị tiên tiến tại Trường tiểu học Trần Bình Trọng (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Ảnh: H.DUNG
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) giám sát việc sử dụng thiết bị tiên tiến tại Trường tiểu học Trần Bình Trọng (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Ảnh: H.DUNG

Từ năm 2012-2015, tỉnh đã đầu tư hơn 370 tỷ đồng để mua 1.491 bộ thiết bị tiên tiến cho các trường (định mức 1 bộ/12 lớp ở bậc tiểu học và 1 bộ/16 lớp với cấp THCS, THPT). Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, các thiết bị tiên tiến này chưa được các trường sử dụng hiệu quả, thậm chí ở nhiều nơi thiết bị còn bị “trùm mền”.

Giáo viên e dè

Mỗi bộ thiết bị tiên tiến, gồm có: bảng tương tác, máy chiếu gần, máy tính xách tay, máy chiếu vật thể, thiết bị trả lời trắc nghiệm, phần mềm hỗ trợ và sách giáo khoa điện tử. Trường THCS - THPT Tây Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) hiện có 2 phòng học tiên tiến với đầy đủ các loại máy móc, có nhân viên phụ trách thiết bị. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 2 phòng học này chủ yếu ưu tiên cho bộ môn ngoại ngữ, còn những môn học khác ít được giáo viên sử dụng hoặc chỉ sử dụng như máy chiếu thông thường. Các chức năng của bộ thiết bị tiên tiến tại trường chưa được giáo viên khai thác hết. Nguyên nhân là do trình độ về tin học của giáo viên còn hạn chế, trong khi phía công ty cung cấp sản phẩm tập huấn còn sơ sài khiến giáo viên chưa làm chủ được công nghệ.

Hay ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) dù cơ sở vật chất rất khang trang, đang thực hiện thí điểm mô hình trường học mới, được đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm thiết bị tiên tiến nhưng chỉ có 4/48 giáo viên (các môn: tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc) sử dụng bộ thiết bị này để giảng dạy. Những giáo viên khác khi sử dụng phải có sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Ở một số trường khác, do cán bộ phụ trách trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu nên đã xin ra đi dạy chứ không phụ trách thiết bị nữa.

Một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa bộc bạch, phòng học tiên tiến của trường chủ yếu là giáo viên các môn tiếng Anh, tự nhiên và xã hội sử dụng. Trong đó, các giáo viên chỉ sử dụng máy chiếu, bảng tương tác, còn thiết bị trả lời trắc nghiệm trên bàn của học sinh rất ít khi được dùng đến. Bởi nhiều giáo viên tiểu học không “rành” lắm về công nghệ thông tin, có trường hợp giáo viên lúng túng, không biết xử lý thế nào khi máy bị trục trặc giữa giờ dạy.

Chưa phát huy hiệu quả

Đơn vị cung cấp bộ thiết bị tiên tiến này là Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC. Mỗi bộ trị giá hàng trăm triệu đồng. Thời gian qua, có 45 bảng tương tác, 158 máy chiếu, 61 máy tính, 72 loa, 22 dây VGA, 7 phần mềm bị hư hỏng đã được đơn vị cung cấp tiến hành sửa chữa, thay thế. Còn trên thực tế vẫn còn nhiều máy móc bị hư hỏng chưa được sửa chữa hoặc sửa chữa rất chậm.

Không chỉ kiến nghị về vấn đề tập huấn, sửa chữa máy móc, nhiều trường còn phản ánh quá trình giao nhận bộ thiết bị tiên tiến chưa được thực hiện chặt chẽ vì không có sự giám sát của đơn vị chủ thầu là Sở GD-ĐT, trong khi lãnh đạo, giáo viên các trường không am hiểu về chất lượng của thiết bị nên khi công ty giao hàng, các trường chỉ biết đếm số lượng máy móc xem đủ hay thiếu chứ không kiểm tra được chất lượng của máy.

Về vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT cho biết do số lượng các trường tiếp nhận bộ thiết bị tiên tiến quá nhiều nên Sở không thể cử người đến từng trường để theo sát quá trình giao nhận hàng, mà có văn bản hướng dẫn các trường tự kiểm tra về số lượng, ký nhận hoặc nhờ các phòng GD-ĐT cử người xuống giám sát, báo cáo về Sở; sau đó Sở sẽ đi kiểm tra nghiệm thu xác suất.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Xuân Lộc), cho hay trường được đầu tư trang thiết bị tiên tiến từ tháng 8-2012 với tổng số tiền 552 triệu đồng, sau đó được cấp thêm 5 bảng tương tác khác nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do trình độ tin học còn hạn chế nên một số giáo viên chưa sử dụng được thiết bị trả lời trắc nghiệm Mimio Lab được gắn trên bàn của học sinh và giáo viên. Các nhân viên của công ty cung cấp thiết bị tập huấn chưa nhiệt tình nên nhiều giáo viên sử dụng bảng tương tác như máy chiếu thông thường mà không sử dụng đúng chức năng vốn có. Một số thiết bị được cấp từ năm 2012 đến 2014 đã bị hư hỏng; đến năm 2015 thì toàn bộ thiết bị trả lời trắc nghiệm Mimio Lab đã bị hỏng hết. Trong thời gian này, nhà đầu tư, công ty cung cấp thiết bị cũng không có lần nào liên hệ với trường để bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời. Nhà trường mong muốn đơn vị cung cấp thiết bị tập huấn đầy đủ cho giáo viên, có nhiều tiết dạy minh họa của những giáo viên đã sử dụng thành thạo trong quá trình tập huấn, tránh tình trạng chỉ nói lý thuyết suông mà giáo viên không thực hành được sau tập huấn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đi kiểm tra ở 9 trường phổ thông nhưng chỉ có 2 trường còn sử dụng được phòng học Lab. Các trường tiểu học chỉ sử dụng được 3 tháng là ngưng. Tần suất sử dụng bộ thiết bị này ở các địa phương còn rất thấp. Nhiều trường có hiện tượng “trùm mền” thiết bị nên đến lúc sử dụng thì mở mãi nhưng máy không hiện lên. Điều đó cho thấy dù được trang bị thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng các trường chưa phát huy được hiệu quả, mục đích của thiết bị”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,560,605       1/956