Xã hội

Phát hiện và điều trị lao ở trẻ em còn thấp

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay bệnh lao vẫn là một vấn đề sức khỏe chủ yếu và là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Trong đó, bệnh lao ở trẻ em và lao kháng thuốc đang là thách thức lớn cho các chương trình chống lao quốc gia. Bệnh lao trẻ em cũng khó chẩn đoán, có nhiều thể bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề, như: lao kê và lao màng não.

Một trẻ bị bệnh lao được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thư.
Một trẻ bị bệnh lao được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thư.

Tại Đồng Nai, tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều. Năm 2015, toàn tỉnh có 3.577 người mắc lao với 57 trẻ bị lao. Chỉ trong 9 tháng của năm 2016 đã phát hiện được 65 trẻ mắc bệnh, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu phát hiện điều trị (214 trẻ) mà chương trình chống lao quốc gia giao cho chương trình chống lao của tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do  bệnh lao ở trẻ em khó chẩn đoán, nguồn lực hạn chế, đời sống người dân khó khăn, còn thiếu thông tin về bệnh…

Bệnh lao trẻ em liên hệ mật thiết với bệnh lao phổi người lớn, nhất là những người lao phổi có xét nghiệm đờm AFB (+), bởi đó là nguồn lây nguy hiểm. Do đó, việc cách ly trẻ tiếp xúc với nguồn lây là rất quan trọng. Ngoài ra, những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch bị suy giảm cũng rất dễ mắc bệnh lao. Việc khám tầm soát và điều trị sớm bệnh lao ở trẻ rất quan trọng, tránh những di chứng nặng, thậm chí tử vong.

Theo Chiến lược chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, nhiệm vụ phòng chống bệnh lao không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà cần có sự quan tâm, đóng góp của các cấp, ngành, của toàn xã hội cùng chung tay bài trừ căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh

(Bệnh viện phổi Đồng Nai)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,492,249       1/691