Xã hội

Chưa đầu tư thỏa đáng cho giáo dục mầm non

Tại phiên họp thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh khóa IX mới đây, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, ngành học mầm non trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư tương xứng với thực tế.

Tại phiên họp thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh khóa  IX mới đây, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, ngành học mầm non trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư tương xứng với thực tế. Ngoài nguyên nhân chủ quan là quy hoạch đất cho giáo dục còn bất cập, phải kể đến công tác quản lý chưa được chặt chẽ.

Trẻ mầm non lớp mầm 2, nhóm trẻ Ánh Dương (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Nhóm này có 210 trẻ với mức học phí hơn 1 triệu đồng/trẻ/tháng. Ảnh: H.DUNG
Trẻ mầm non lớp mầm 2, nhóm trẻ Ánh Dương (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Nhóm này có 210 trẻ với mức học phí hơn 1 triệu đồng/trẻ/tháng. Ảnh: H.DUNG

Ông Phạm Ngọc Tuấn đề nghị TP.Biên Hòa phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Tài nguyên - môi trường nhanh chóng rà soát lại tình hình đất đai, các nhóm trẻ đang hoạt động trên địa bàn thành phố xem nhóm nào có thể lên trường được thì tham mưu UBND tỉnh có giải pháp giải quyết. Việc này cần xúc tiến làm ngay, không chần chừ, kéo dài.

* Không có đất sạch

Ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết qua kiểm tra 54 vị trí đất quy hoạch cho giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố, hiện không có vị trí nào là đất sạch. Tất cả đều vướng và phải đền bù giải tỏa với số tiền lớn. Do đó, thành phố rất khó khăn trong việc xây dựng thêm trường mầm non.

Theo lãnh đạo thành phố, toàn tỉnh còn duy nhất Biên Hòa có 2 phường chưa có trường mầm non công lập. Với phường Long Bình, thành phố đang xúc tiến để đấu thầu xây dựng trường mầm non; còn ở phường Thống Nhất, thành phố đã trình xin ý kiến để chuyển đổi mục đích sử dụng đất công viên cây xanh ở gần Trường THCS Thống Nhất để xây dựng trường mầm non, nhưng đến nay chưa có kết luận.

Số lượng trường mầm non công lập không đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của phụ huynh dẫn đến việc các trường mầm non ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục ở TP.Biên Hòa phát triển nhanh chóng. 31 trường mầm non tư thục và 538 nhóm trẻ này thu hút gần 65% tổng số trẻ ra lớp của toàn thành phố.

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho hay thành phố có tới 228 nhóm trẻ có từ 50 trẻ trở lên phải thành lập trường. Theo kế hoạch, trong năm 2016 sẽ có 22 nhóm lên trường nhưng đến nay vẫn chưa có nhóm nào lên trường được. Nguyên nhân là do tất cả các nhóm trẻ được xây dựng trên đất của gia đình, cá nhân, phần lớn là đất ở hoặc lâm nghiệp… không có mục đích giáo dục. Nhóm trẻ muốn lên trường thì phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giáo dục. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều chủ nhóm rất ngại lên trường vì nếu là nhóm thì chỉ cần một nhóm trưởng, tập thể giáo viên, nhân viên. Đến khi lên trường, yêu cầu phải có đầy đủ các vị trí, như: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán, nhân viên, giáo viên…, gây tốn kém chi phí hơn so với nhóm trẻ.

* Khẩn trương tìm giải pháp

Trong 2 năm gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư mạnh tay cho giáo dục mầm non, như: huyện Định Quán (150 tỷ đồng), TX.Long Khánh (85 tỷ đồng), huyện Xuân Lộc (51,7 tỷ đồng). Trong khi đó, TP.Biên Hòa là nơi chịu áp lực lớn nhất về số lượng trẻ mầm non nhưng mới chỉ được đầu tư hơn 16 tỷ đồng/364 tỷ đồng tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục trên địa bàn thành phố. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, Biên Hòa còn khó khăn vì thiếu 700 giáo viên mầm non. Để đảm bảo số lượng giáo viên, thành phố phải hợp đồng và trả lương bằng ngân sách của địa phương.

“Biên Hòa báo cáo rằng tất cả các nhóm trẻ trên địa bàn thành phố đều đã được kiểm tra và cấp phép thành lập, nhưng khi chúng tôi đi khảo sát thực tế vẫn còn nhiều nhóm chưa được cấp phép, cơ sở còn nhếch nhác, hoạt động thiếu bài bản. Điều này cho thấy công tác quản lý của Biên Hòa chưa chặt chẽ” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cho hay.

Về vấn đề này, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, thừa nhận dù ngành đã tổ chức nhiều đoàn cùng với phòng GD-ĐT các địa phương đi kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các nhóm trẻ chưa đủ điều kiện lên trường, nhưng đến nay vấn đề đất đai vẫn là rào cản. Điều này sẽ càng khó hơn đối với các doanh nghiệp có ý định xây dựng trường mầm non. “Nếu điều kiện chăm sóc trẻ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực, kỹ năng của trẻ, gây hạn chế nguồn nhân lực sau này” - bà Huỳnh Lệ Giang chia sẻ.

Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết Biên Hòa hiện không còn quỹ đất công. Luật Đất đai hiện chưa có quy định về việc điều chỉnh từ đất ở sang đất giáo dục rồi lại chuyển lại. Trong khi đó, nếu kêu gọi xã hội hóa giáo dục, Nhà nước phải chuẩn bị đất sạch cho cá nhân, đơn vị đầu tư. Sở sẽ phối hợp với ngành giáo dục Biên Hòa rà soát lại danh mục của từng cơ sở mầm non hiện nay, xem đó là những loại đất gì để hỗ trợ các cơ sở giáo dục hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết không thể chấp nhận được có những nơi nuôi dạy đến 400 trẻ, thậm chí gần 700 trẻ mà vẫn gọi là nhóm trẻ. Số trẻ này quá đông, nếu không thành lập trường thì rất đáng lo ngại. Ngành giáo dục và TP.Biên Hòa cùng các đơn vị liên quan cần phải quan tâm xem xét lại để có những đề xuất, tham mưu UBND tỉnh có cách tháo gỡ các khó khăn kịp thời. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ tốt hơn, giúp phụ huynh an tâm công tác. Không có lý do gì mà cấp mầm non, cấp học nền tảng lại không được đầu tư xứng đáng so với các cấp học còn lại.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,492,229       1/691