Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ung thư vòm họng là một trong những dạng bệnh ung thư thường gặp. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân bị ung thư vòm họng khi phát hiện bệnh đều ở giai đoạn nặng, việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.
Điều dưỡng Khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp thuốc cho một bệnh nhân bị ung thư vòm họng. Ảnh: Đ.Ngọc |
Ông T.Đ.T. (54 tuổi, ngụ tại KP.2, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Đầu năm 2016, ông thấy cổ đau, ho nhiều nên đi khám bác sĩ tư thì được chẩn đoán bị viêm họng. Tuy nhiên, dù uống thuốc điều trị viêm họng hơn 2 tháng nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Đến khi cổ trái sưng to, ông đi khám ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì mới biết bị u ác ở vùng xoang lê, hay còn gọi là ung thư hạ họng.
* Dấu hiệu bệnh không rõ ràng
Tuy nhiên, khi phát hiện bệnh, khối u vùng xoang lê của ông T.Đ.T. đã phát triển rất nhanh, chèn lên thực quản và khí quản nên bác sĩ phải mở khí quản cho ông thở, đồng thời mở thông dạ dày để đưa thức ăn vào từ phía ngoài. Do khối u lớn nên không thể phẫu thuật cắt bỏ, chỉ hóa trị, xạ trị để làm nhỏ khối u. Đến nay, sức khỏe của ông rất yếu, sụt 12kg so với khi mới phát hiện bệnh. Ông T.Đ.T. chia sẻ trước đây ông vẫn khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu bệnh gì. Đến khi phát hiện ra bệnh thì diễn tiến quá nhanh.
Trong khi đó, bệnh nhân Đ.Đ.T. (45 tuổi, ngụ tại KP.3, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) lại đột ngột bị đau ê ở gáy, đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ nên ông không chú ý đến bệnh. Đến đầu năm 2016, ông phát hiện có một hạch nổi lên ở cổ bên phải khiến ông thường xuyên đau đầu, bị sụp mí mắt nên đi khám thì mới biết bị ung thư vòm họng. Đến nay, qua 17 lần xạ trị, khối u trong họng ông T. vẫn chưa giảm nhiều. Được biết, cả 2 trường hợp ông T.Đ.T. và Đ.Đ.T. đều có uống rượu. Đây là một trong những nguy cơ cao của bệnh ung thư vòm họng.
Theo bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ung thư vòm họng là một trong các dạng ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam và đứng hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm họng là uống rượu, bia, hút thuốc lá... Điều đáng nói, bệnh ung thư vòm họng diễn tiến âm thầm, triệu chứng của bệnh không rõ ràng và rất khó nhận biết, dễ nhầm lẫn sang những bệnh lý thông thường khác; đến khi phát hiện, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng khiến việc điều trị rất khó khăn.
* Khó tầm soát bệnh
ở giai đoạn sớm của bệnh ung thư vòm họng chỉ là triệu chứng đau rát họng nên khi bệnh nhân đi khám bệnh ở các bác sĩ không có chuyên khoa về ung bướu sẽ rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm họng thông thường. Thật ra, nếu đau rát họng kéo dài, chỉ khám bằng phương pháp đơn giản rất khó phát hiện được sang thương trong họng mà cần phải nội soi sâu trong họng mới nhìn thấy. Nếu nội soi thấy sang thương trong họng thì chỉ cần xạ trị theo đúng phác đồ, tỷ lệ khỏi bệnh rất cao.
Thế nhưng, theo bác sĩ Đinh Thanh Bình, trong thời gian qua, phần đông bệnh nhân nhập viện khi sang thương ở họng đã lan sang các cơ quan lân cận với các dấu hiệu: ù tai, chảy máu mũi, sụp mí mắt, khàn tiếng, nuốt khó, đau đầu dai dẳng... Trong điều trị ung thư, về nguyên tắc nếu phẫu thuật lấy hết được khối u khi chưa lan sang cơ quan lân cận thì hiệu quả điều trị rất cao. Tuy nhiên, phẫu thuật ít được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng vì việc phẫu thuật bóc tách khối u sẽ ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh quan trọng ở khu vực này. Phác đồ điều trị ung thư vòm họng chủ yếu là xạ trị, đôi khi hóa trị để làm nhỏ khối u.
Hiện nay để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư vòm họng, điều quan trọng phải làm tốt ở khâu tầm soát bệnh. Do đó, việc chú trọng đào tạo các bác sĩ đa khoa có thêm kiến thức về ung bướu để việc nhận diện, chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt, giúp cho việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh ung thư vòm họng đạt hiệu quả cao hơn.
Bệnh ung thư vòm họng có thể chữa khỏi bệnh Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng bệnh ung thư vòm họng sẽ được điều trị bệnh hiệu quả, thậm chí có thể chữa khỏi bệnh nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Chính vì thế, nếu khi nhận thấy có bất kỳ biểu hiện nào trong số các dấu hiệu, như: đau đầu, rát họng, ù tai, chảy máu mũi, khàn tiếng... người bệnh cần nhanh chóng đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán cụ thể, chính xác nhất. Để phòng ngừa bệnh, mọi người cần hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá... |
Đặng Ngọc