Xã hội

Kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp: Bước đầu khả quan

Sinh viên các trường ở Đồng Nai có nhiều thuận lợi trong tìm kiếm việc làm khi số lượng doanh nghiệp của tỉnh rất lớn.

Giám đốc Công ty TNHH Hirota Precision Naoto Hirora (bìa trái) tham quan mô hình Phòng thực hành Lac Hong Open Workshop của Trường đại học Lạc Hồng được hình thành từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Ảnh: C.Nghĩa
Giám đốc Công ty TNHH Hirota Precision Naoto Hirora (bìa trái) tham quan mô hình Phòng thực hành Lac Hong Open Workshop của Trường đại học Lạc Hồng được hình thành từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Ảnh: C.Nghĩa

Ngày càng có nhiều đoàn doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài tới trao đổi chương trình hợp tác, giới thiệu công nghệ mới, hội thảo cơ hội việc làm, đào tạo văn hóa doanh nghiệp, tặng thiết bị đào tạo nghề...

* Chọn hướng đi phù hợp

Tại Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng. Thông qua những hoạt động hợp tác này, nhiều sinh viên đã kết nối được với các doanh nghiệp từ rất sớm để có được cơ hội thực tập và việc làm.

Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Doanh nghiệp là lực lượng chính sử dụng phần lớn các sản phẩm đào tạo của các trường đào tạo. Do đó, các trường cần bám sát kỹ thuật công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn rất cần lao động có trình độ, nhưng nếu các trường không nắm được các doanh nghiệp thực sự cần gì thì không thể phát triển được”.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, cho biết trường đã kêu gọi được doanh nghiệp chung tay với nhà trường đầu tư phòng thực hành mang tên Lac Hong Open Workshop với nhiều thiết bị đào tạo nghề hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực hành của sinh viên, như: máy cắt gọt kim loại CNC, máy in 3D, thiết bị mô phỏng dây chuyền vận hàng hóa, đào tạo tiêu chuẩn 5S… Từ phòng thực hành này, nhiều sản phẩm công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp nước ngoài sử dụng.

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 hiện đang hợp tác với Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) về đào tạo ngành cơ khí và cơ điện tử. Học viên được tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến hàng đầu châu Âu, không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ thêm chi phí học tập. Sau khi tốt nghiệp, học viên được sắp xếp làm việc ngay tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam với mức lương hấp dẫn.

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 còn đang cùng với Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) tuyển sinh đào tạo nghề mới là chế tạo thiết bị cơ khí ứng dụng công nghệ CNC và nghề điện tử công nghiệp theo tiêu chuẩn của Đức. Học viên không phải đóng học phí, được hỗ trợ thêm 2,5 triệu đồng/tháng và đảm bảo đầu ra.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Đồng Nai Vũ Anh Tuấn cho biết: “Giữa tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã cấp bằng trung cấp và cao đẳng nghề cho 667 học viên. Sự tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã giúp trường nâng cao được chất lượng học viên đạt trình độ khá, giỏi vào cuối khóa, nhất là số sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp”.  

* Chủ động hợp tác

Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho biết thực tế còn khá nhiều nghịch lý giữa công tác đào tạo của nhà trường và yêu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp. Cụ thể, chương trình đào tạo của nhiều trường đã quá cũ, trong khi công nghệ sản xuất thực tế của các doanh nghiệp phát triển quá nhanh, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lao động có trình độ. Ông Trung cho rằng, nếu nhà trường và doanh nghiệp chủ động hợp tác với nhau thì nghịch lý này sẽ được giải quyết: trường nghề sẽ có nhiều người học; doanh nghiệp không lo thiếu nhân lực tốt, có thể làm được việc ngay sau tuyển dụng.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực của các trường ở  Đồng Nai hiện nay cần tập trung vào chất lượng nhiều hơn vì năng suất lao động của người lao động vẫn còn thấp. Để có nguồn nhân lực chất lượng tốt, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh về ngân sách để hiện đại thiết bị đào tạo nghề, đào tạo giáo viên, các trường nên tập trung vào một hướng tiết kiệm cho ngân sách là hợp tác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể góp ý cho trường đổi mới chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên đến doanh nghiệp thực hành sản xuất trên máy móc hiện đại gắn với điều kiện sản xuất thực tế, đồng thời còn tạo điều kiện cho sinh viên có thể tự tìm đầu ra cho mình trong quá trình làm quen với doanh nghiệp.

Không để bị động về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, Công ty TNHH Hirota Precision Việt Nam (Khu công nghiệp hơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) thường xuyên cử cán bộ nhân sự và kỹ thuật tới các trường có đào tạo nghề cơ khí chế tạo tại Đồng Nai để thăm dò về chương trình đào tạo. Giám đốc Công ty TNHH Hirota Precision Naoto Hirora cho biết: “Công ty đã và đang rất cần nguồn nhân lực trẻ đã qua đào tạo để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chính vì vậy, công ty rất mong được hợp tác với các trường về mọi mặt, từ đào tạo tới tiếp nhận sinh viên thực tập và làm việc chính thức”.

Còn TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho biết nguồn nhân lực nhà trường cung cấp cho các doanh nghiệp vẫn là chủ yếu, do đó không thể không hợp tác với doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay nhà trường đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề. Vấn đề là phải nâng cấp sự hợp tác này thực chất hơn nữa thay vì chủ yếu là ký kết các biên bản ghi nhớ.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,491,626       2/961