Dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập không những giúp phụ nữ ổn định cuộc sống mà còn từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Nhận thức được điều này, thời gian qua các cấp, ngành và đoàn thể trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn.
Bà Phạm Thị Thanh (ấp 5, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) vận dụng kiến thức sau học nghề để chăm sóc đàn bò 16 con tại gia đình. Ảnh: N.Sơn |
* Nâng thu nhập - nâng vị thế
Cách đây 25 năm, bà Phạm Thị Thanh cùng chồng rời quê hương Nam Định vào ấp 5, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) lập nghiệp. Với một ít vốn trong tay, vợ chồng bà mua 5 mẫu đất để trồng trọt và chăn nuôi. Nhớ lại lúc mới “về rừng”, điện, đường chưa có, đêm đến tiếng côn trùng kêu râm ran, người “nhát gan” có lẽ không dám ở.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2011-2016 toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 396 ngàn người, trong đó nữ trên 166 ngàn người (chiếm tỷ lệ 41,92%). Trong đó, số lao động nữ được đào tạo nghề thì có trên 93% trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng. Và trong số gần 462 ngàn người được giải quyết việc làm (giai đoạn 2011-2015) thì có gần 314 ngàn nữ lao động (chiểm 68%). |
Nhưng với quyết tâm lập nghiệp, bà cùng chồng dành toàn thời gian cải tạo 5 mẫu đất đồi, chẳng bao lâu mảnh đất “khỉ ho cò gáy” ấy cũng “nở hoa”. đến nay, ông bà có 10 mẫu ruộng rẫy. Hiện bà đang trồng 6 mẫu tràm, 2 mẫu trồng lúa, còn lại đào ao nuôi cá, trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho 16 con bò. Với mô hình này, mỗi năm ông bà thu nhập bình quân 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bà Thanh cho biết có được kết quả này cũng nhờ bà chăm chỉ tham gia các lớp học nghề. Theo bà Thanh, đất đai, khí hậu ở đây khác nhiều so với ở quê nên đi học bà có thêm kiến thức, kỹ năng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả trồng trọt và chăn nuôi trong gia đình. Điển hình, sau các lớp học nghề, bà đã có kinh nghiệm xử lý ao nuôi mất oxy khi thời tiết thay đổi, kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản, đỡ đẻ cho bò...
Cùng mong muốn nâng cao kiến thức, tay nghề nên mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong công ty cung cấp suất ăn công nghiệp nhưng chị Nguyễn Thạch Trúc (ấp Trung tâm, xã Xuân Lập, TX.Long Khánh) vẫn dành thời gian tham gia lớp học nghề nấu ăn 6 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học nghề, ngoài việc làm tốt hơn công việc tại công ty, chị đã mạnh dạn mở dịch vụ nấu ăn tại nhà vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Với công việc nấu ăn tại nhà, chị vừa giải quyết việc làm cho một số lao động, vừa có thêm thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Có thêm thu nhập, cuộc sống gia đình chị không những khá giả hơn mà quan trọng là tiếng nói của chị trong gia đình được mọi người nể trọng.
Đối với chị em ở các xã vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các lớp học nghề 3 tháng, 6 tháng thì những buổi tập huấn vài ngày về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi càng trở nên có ý nghĩa. Sau khi tham gia tổ hợp tác chăn nuôi dê của xã, chị Ka Lan (người dân tộc S’tiêng ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) được hỗ trợ 2 con dê, đồng thời được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi dê do Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Hội Nông dân và Trạm khuyến nông Tân Phú tổ chức đã giúp chị chăn nuôi hiệu quả. Sau 2 năm, từ 2 con dê sinh sản chị bán được 18 triệu đồng và hiện tại vẫn còn 4 con dê đang trong thời kỳ sinh sản. Với mô hình nuôi dê, gia đình chị từ hộ nghèo nay đã vươn lên cận nghèo và ngày thoát nghèo với gia đình chị không còn xa.
* Đào tạo gắn với giải quyết việc làm
Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ ở nông thôn, từ lâu đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện ở việc ban hành đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đề án 295 về hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ. Điều này đã góp phần bảo đảm quyền được học nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Bà Đào Thị Hằng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho biết xác định công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn là một trong những hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho lao động nữ nông thôn về học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập... các cấp Hội đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về đề án, vai trò của đào tạo nghề cho lao động nữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp với trung tâm dạy nghề cùng cấp khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm phù hợp với nhu cầu người lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng lên về số lượng và chất lượng, ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm là cần thiết. Song, bản thân người phụ nữ phải hiểu rõ bản thân có khả năng, phù hợp với nghề gì để chọn nghề học phù hợp; nhận thức được hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình mình để xác định mục tiêu phấn đấu và nỗ lực hơn trong quá trình học nghề; đồng thời tuyệt đối tránh tư tưởng an phận, tự bằng lòng với những gì mình đang có. Có được những điều này, thiết nghĩ dù là lớp học nghề 3 tháng, 6 tháng hay lâu hơn, chị em đều có cơ hội sống được với nghề mà mình đã học.
Nga Sơn