Xã hội

Can thiệp nội mạch trong cấp cứu đột quỵ

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa triển khai thêm một kỹ thuật mới trong cấp cứu đột quỵ, đó là can thiệp nội mạch (trước đó có phương pháp tiêm thuốc tan máu đông).

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa triển khai thêm một kỹ thuật mới trong cấp cứu đột quỵ, đó là can thiệp nội mạch (trước đó  có phương pháp tiêm thuốc tan máu đông). Đây được xem là kỹ thuật điều trị hàng đầu hiện nay cho điều trị tắc nghẽn mạch máu lớn trên não do đột quỵ.

TS-BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh đột quỵ cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
TS-BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh đột quỵ cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Bệnh nhân đầu tiên đã được Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cứu sống nhờ phương pháp can thiệp nội mạch là bà Cao Thị Vỹ (73 tuổi, ngụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị tắc nghẽn động mạch thân nền, gây nhồi máu não cấp nay đã hồi phục sức khỏe, nhận biết và vận động bình thường. Bà Vỹ đã được các bác sĩ can thiệp mạch máu não bằng cách đưa dụng cụ qua động mạch đùi lên vị trí động mạch ở não bị tổn thương để nong và hút huyết khối gây tắc nghẽn, giúp tái lập lưu thông dòng máu lên não.

Tận dụng thời gian vàng

“Thời gian là não, mất thời gian là mất não”

Trong vấn đền can thiệp mạch nội mạch cấp cứu tắc mạch máu não thì “thời gian là não, mất thời gian là mất não”, ở thời gian cho phép khai thông mạch máu não cấp cứu tối đa trong vòng 6 giờ tính từ khi xảy ra đột quỵ là tốt nhất. Quá thời gian 6 giờ não bị tổn thương sẽ không cứu được. Do đó nếu triển khai được kỹ thuật can thiệp nội mạch tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ giúp cấp cứu kịp thời những ca đột quỵ tại Đồng Nai và các khu vực lân cận, nếu chuyển đến TP.Hồ Chí Minh sẽ khó cứu được khi quá “thời gian vàng”.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.Hồ Chí Minh, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật mới cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết đột quỵ được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là xuất huyết não hay còn gọi là vỡ mạch máu não. Nhóm thứ 2 là nhồi máu não hay nghẽn mạch máu não chiếm đến 80% nguyên nhân đột quỵ. Do đó, can thiệp nội mạch là phương pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu lớn trên não, như: động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch thân nền, động mạch cột sống...

Cũng theo TS.BS Trần Chí Cường, hiện nay bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Ngày càng có nhiều trường hợp người trẻ bị đột quỵ dưới 40 tuổi. Điều đáng nói, đột quỵ do nghẽn mạch hay nhồi máu não đều có triệu chứng báo trước khi có những cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh nhân có cơn tê yếu tay chân, yếu 1 bên cơ thể; miệng méo, nói khó... Tuy nhiên, nhiều người không để ý, đến khi xảy ra đột quỵ rồi điều trị rất khó khăn, tốn kém, nguy cơ tàn phế, thậm chí tử vong do tàn phế rất cao. Vì vậy, đối với bệnh đột quỵ, việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu.

 Tầm soát phòng ngừa bệnh đột quỵ

TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh hiện nay việc tầm soát phòng ngừa bệnh đột quỵ trong cộng đồng chưa cao. Nhiều người chỉ biết 2 chữ đột quỵ khi té ngã và tử vong chứ không biết đến nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ là như thế nào. Những nguy cơ cao bệnh đột quỵ là tăng huyết áp, hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân, béo phì, bệnh đái tháo đường... Đối với người trẻ còn do ít vận động, môi trường làm việc áp lực, thức ăn độc hại... Một yếu tố gây đột quỵ ở người trẻ nữa là có dị tật ở mạch máu não, phổ biến nhất là bệnh dị dạng mạch máu não là nguyên nhân, kẻ thù hàng đầu của người trẻ. Những người có nguy cơ cao với bệnh đột quỵ cần đi khám tầm soát sớm để phòng ngừa bệnh đột quỵ.

Đơn cử, bệnh nhân Nguyễn Gia Lâm (ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) từng bị đột quỵ một lần. Khi khám bệnh, các bác sĩ đã phát hiện ông Lâm có nguy cơ nhồi máu tái phát do bị nghẽn tắc và hẹp động mạch não giữa bên trái nên đã được các bác sĩ can thiệp nội mạch để nong và đặt stent (ống thông mạch máu). Nhờ đó, mạch máu não được tái thông giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ tai biến lặp lại và giúp bệnh nhân hồi phục được phần nào những tổn thương ở hệ thần kinh.

Ông Nguyễn Kim Hào (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) chia sẻ nhờ khám sàng lọc bệnh đột quỵ ông mới biết bị rối loạn nhịp tim, rung nhĩ được điều trị bằng thuốc nên đã khỏe hơn và có thể chơi thể thao bình thường. Việc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai triển khai khám sàng lọc bệnh đột quỵ vào thứ 5 hàng tuần, với sự có mặt của những chuyên gia trong điều trị đột quỵ ở TP.Hồ Chí Minh đã giúp cho người dân ở Đồng Nai khám sàng lọc phòng ngừa bệnh đột quỵ rất thuận tiện, đỡ phải đi lại xa xôi, tốn kém thời gian, chi phí đi lại.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,483,573       1/1,165