Xã hội

Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật (3-12): Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập

Bằng việc dạy nghề, giới thiệu việc làm..., các cấp, ngành đã giúp người khuyết tật có thêm "cần câu cơm" để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và đặc biệt giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bằng việc dạy nghề, giới thiệu việc làm..., các cấp, ngành đã giúp người khuyết tật có thêm “cần câu cơm” để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và đặc biệt giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Người khuyết tật ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) thực hành tiêm bắp và tiêm dưới da gà trong chương trình học nghề chăn nuôi - thú y.
Người khuyết tật ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) thực hành tiêm bắp và tiêm dưới da gà trong chương trình học nghề chăn nuôi - thú y.

Tham gia lớp học nghề chăn nuôi, thú y 3 tháng được tổ chức trong xã, chị Trần Thị Châu (ấp 5, xã Suối Nho, huyện Định Quán) đã có thêm kiến thức để chăn nuôi gà, nuôi bò hiệu quả hơn.

Hỗ trợ “cần câu cơm”

Theo tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội, sáng nay 3-12, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.Hồ Chí Minh sẽ đăng cai tổ chức chương trình hội trại người khuyết tật năm 2016 tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), thu hút khoảng 6 ngàn người khuyết tật đến từ các tỉnh phía Nam, trong đó Đồng Nai có 500 người khuyết tật tham gia. Ngoài tham gia hội trại, sau Ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12), Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ tổ chức tặng quà cho trên 500 người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 171 xã, phường, thị trấn (trị giá 400 ngàn đồng/suất).

Sau cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi, chị Trần Thị Châu từ một đứa trẻ bình thường trở thành khiếm khuyết với đôi chân cong queo, không còn khả năng di chuyển như những đứa trẻ bình thường khác. Với cha mẹ, người thân, nhất là với chị, đó là một cú sốc quá lớn. Nhưng chính những tấm gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống được chiếu trên tivi mà chị vô tình xem được đã trở thành động lực để chị tích cực hơn trong học văn hóa, học nghề, làm việc để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Quyết tâm ấy càng mạnh mẽ hơn khi chị gặp anh Lê Bảo Long - một người bị gù lưng do biến chứng của bệnh lao cột sống và có 2 đứa con khỏe mạnh. Gia đình 4 người hiện sống bằng nguồn thu nhập từ nghề may của chị (khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng) và chăn nuôi bò, gà. Chị Châu cho hay, trước vì không có kiến thức nên chị nuôi gà thì gà chết, nuôi bò thì chậm lớn. Cách đây 2 tháng, vợ chồng chị đăng ký lớp học nghề chăn nuôi, thú y tổ chức tại xã. Với tinh thần cầu thị, được cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ, thực hành thường xuyên nên mô hình chăn nuôi gà, bò của anh chị đã và đang có chuyển biến tích cực.

Không chỉ học nghề, có việc làm, mà anh Huỳnh Văn Quang (ở Trung tâm nhân đạo Làng Tre, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) còn là người truyền nghề cho trẻ mồ côi, khuyết tật tại trung tâm. Bản thân anh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đôi chân teo không có khả năng đi lại. Cách đây 7-8 năm, gia đình khó khăn nên anh rời quê hương với mong muốn có được cơ hội thay đổi cuộc sống.

Từ những người bạn mới quen, anh biết đến Trung tâm nhân đạo Làng Tre, cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật nên anh tìm đến. Sau 3-6 tháng học nghề, anh đã có thể kết cườm và đan chổi thành thạo, góp phần đem lại thu nhập phụ giúp trung tâm trang trải chi phí chăm sóc các đối tượng bảo trợ. Anh Quang bộc bạch, từ ngày đến với trung tâm, anh có nhà để ở, có nghề nghiệp, việc làm và đặc biệt là tìm được một nửa yêu thương và 2 đứa con lành lặn, khỏe mạnh được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

Bên cạnh dạy nghề, giới thiệu việc làm cũng là hoạt động đầy tính nhân văn, giúp người khuyết tật có điều kiện tự chăm sóc bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Khó khăn trong di chuyển và sinh hoạt thường ngày khiến anh Lê Đại Thắng, công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), luôn thấy tự ti. Với suy nghĩ phải ‘’tự lực cánh sinh’’, anh đến Đồng Nai và được giới thiệu vào làm việc tại công ty. Anh Thắng chia sẻ, hàng ngày anh đi làm bằng xe ôm. Đến công ty, đồng nghiệp lấy xe hàng đẩy anh vào chỗ ngồi. Lúc ăn uống, sinh hoạt anh đều được mọi người hỗ trợ nhiệt tình giúp anh tự tin, hòa đồng với mọi người, gắn bó với công việc.

Giải quyết đầu ra sau học nghề

Theo kết quả điều tra, rà soát người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng tại cộng đồng dân cư và tại các trung tâm, các cơ sở bảo trợ xã hội năm 2011, toàn tỉnh có trên 23 ngàn người khuyết tật (chiếm 0,93% dân số toàn tỉnh), trong đó  có trên 15 ngàn người khuyết tật trong độ tuổi từ 16 đến dưới 60 tuổi.

Xuất phát từ nhu cầu của người khuyết tật, những năm qua thông qua nguồn kinh phí nhà nước, dự án của các tổ chức: Handicap International Vietnam, Ford; Hội Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam... một bộ phận không nhỏ người khuyết tật được học nghề, tạo việc làm, khởi sự doanh nghiệp, thành lập cơ sở dịch vụ, kinh doanh tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội), mặc dù chưa có một con số khảo sát chính thức kể từ sau năm 2011 đến nay về số lượng người khuyết tật được dạy nghề, giới thiệu việc làm, hiện đang có thu nhập ổn định, nhưng từ số lượng dạy nghề mỗi năm cho thấy tỷ lệ người khuyết tật được học nghề, giới thiệu việc làm hiện nay còn thấp so với tổng số người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Điển hình, trong 2 năm 2015 và 2016, toàn tỉnh chỉ có trên 50 người khuyết tật học nghề và bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 100 người khuyết tật được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp.

Một trong những bất cập hiện nay là theo quy định, một người khuyết tật chỉ được học một nghề. Nếu như xác định không đúng, sau khi học nghề, nhu cầu xã hội thay đổi, người khuyết tật phải đối mặt với khó khăn việc làm.

Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng để giúp người khuyết tật học nghề, sống được với nghề, đòi hỏi nghề mà người khuyết tật học phải phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, người khuyết tật sau khi học nghề phải được hỗ trợ vốn để phát huy nghề đã học. Và yếu tố không kém phần quan trọng chính là đầu ra của sản phẩm.

Chị Trần Thị Châu bày tỏ sau khi học nghề, xã sẽ gom các học viên đã được học nghề thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà để cùng chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là luân phiên chăn nuôi gà, đảm bảo nguồn gà cung cấp cho thị trường ổn định, lại không lo tình trạng xuất chuồng ồ ạt. Đây chính là cách để giải quyết vấn đề đầu ra sau học nghề mà các cấp, ngành có liên quan cần quan tâm triển khai thực hiện. Giải quyết được vấn đề này sẽ khuyến khích người khuyết tật tham gia học nghề, có việc làm, tự lo cho bản thân, giảm bớt áp lực an sinh xã hội cho Đảng và Nhà nước.

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,481,851       1/1,189