Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Đây cũng là thời điểm nhiều địa điểm kinh doanh giải khát, ăn uống, làm bánh kẹo... rầm rộ đăng tải thông tin tuyển dụng lao động thời vụ.
Băng rôn tuyển dụng lao động thời vụ treo ở nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa. |
Những công việc làm ngắn ngày này là cơ hội để nhiều sinh viên đang theo học tại các trường trong tỉnh, cũng như một bộ phận không nhỏ người chưa có việc làm cố định tìm kiếm một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Việc chờ người
Cơ sở bánh chưng Trần Gia (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đang treo băng rôn trên một số tuyến đường giao thông tại TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu để tuyển gần 1 ngàn lao động thời vụ. Mức thù lao mà người lao động được nhận là từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Trước khi bắt tay vào công việc chính thức, người lao động được học việc một vài ngày với tiền công 13 ngàn đồng/giờ.
Cũng tuyển số lượng lớn nhân viên phục vụ làm thời vụ trong dịp Tết Nguyên Đán này là Khu du lịch Bửu Long và Hội quán Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Tuy không treo băng rôn tuyển dụng rầm rộ như Cơ sở bánh chưng Trần Gia, song do hoạt động đã lâu và cứ đến dịp Tết âm lịch là 2 đơn vị này lại tuyển người vào làm thời vụ nên rất đông sinh viên đã truyền tai nhau đến xin việc.
Nữ sinh viên Trường đại học Lạc Hồng Trần Thị Phương Uyên làm việc thời vụ tại Hội quán Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN |
Bên cạnh đó, nhiều quán ăn gia đình, giải khát với nhu cầu cần tuyển từ 5-10 người cũng được các bạn trẻ tìm đến liên hệ tìm việc. Hiện dọc theo các tuyến đường có nhiều quán xá, như: Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Võ Thị Sáu, Huỳnh Văn Nghệ... bảng thông báo tìm lao động thời vụ được treo ngay trước cơ sở kinh doanh rất nhiều.
Chẳng hạn, quán ăn Chàng Ngố 1 (KP.6, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) hiện đang tuyển 8 lao động là sinh viên. Mỗi ca làm việc 8 tiếng được trả 250 ngàn đồng.
Còn ở quán cà phê Xưa và Nay (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đang tuyển 16 nhân viên phục vụ, thu ngân. Hình thức trả công theo giờ, theo ngày hoặc theo tháng, ngoài lương còn có phụ cấp tiền cơm, thưởng. Nếu làm vào những ngày mùng của tết thì số tiền được nhận sẽ cao hơn. Bà Trần Trâm, chủ quán cà phê Xưa và Nay, nói: “Không phải dễ để tìm được người làm thời vụ trong dịp này. Do vậy, chúng tôi đang lo không biết có đủ lao động phục vụ khách hàng trong dịp tết này hay không”.
Cẩn trọng với việc thời vụ
|
Đi làm thời vụ dịp tết hiện thu hút rất đông sinh viên và những người không có điều kiện về quê đón tết tham gia. Nữ sinh viên Trường đại học Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ: “Những tuần giáp tết là bắt đầu học kỳ mới nên chương trình chưa nhiều. Tôi tranh thủ làm thêm để có tiền mua thêm ít quà về tặng người thân ở quê trong dịp tết”.
Còn nữ sinh viên Trường đại học Lạc Hồng Trần Thị Phương Uyên thì cho hay, tranh thủ thời gian rảnh đã xin đi làm phục vụ quán tại Hội quán Trấn Biên. Việc làm theo ca chứ không phải nguyên ngày nên thuận tiện cho việc đi học, giúp Uyên có tiền mua sắm trong dịp tết và để dành đóng học phí.
Bên cạnh những mặt thuận lợi cho người lao động lẫn chủ sử dụng lao động thì lao động thời vụ dịp tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do không được hưởng bất kỳ chế độ nào (bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động...) ngoài lương nên nếu người lao động thiếu cẩn trọng trong công việc rất dễ gặp rủi ro, vừa gây mất an toàn cho bản thân vừa tốn tiền chữa trị.
“Chọn việc lắp ráp công trình ánh sáng, tôi và những lao động khác luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn. Chỉ cần một tai nạn nhỏ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu chẳng may phải đi bệnh viện điều trị trong những ngày giáp tết thì sẽ rất khổ vì bản thân đã không có tiền dư dả mới làm thêm dịp tết” - anh Nguyễn Trọng Xuân, quê Hà Tĩnh, một lao động thời vụ đang tham gia đấu nối hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật cho một quán cà phê, nói.
Văn Truyên