Xã hội

Tấm lòng của một nhà giáo

Ông Lìu Chỉ Khìn, Hiệu trưởng Trung tâm Hoa văn- Tin học Thanh Bình chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng làm những việc tốt để giúp đỡ những người khó khăn, trong đó có việc giúp họ có được nghề nghiệp chân chính để nuôi sống bản thân mình".

Ông Lìu Chỉ Khìn, Hiệu trưởng Trung tâm Hoa văn- Tin học Thanh Bình chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng làm những việc tốt để giúp đỡ  những người khó khăn, trong đó có việc giúp họ có được nghề nghiệp chân chính để nuôi sống bản thân mình”.

Ông Lìu Chỉ Khìn (trái) hướng dẫn cho anh Lỷ Mành Hội cách in thiệp cưới tại cơ sở của gia đình ông.
Ông Lìu Chỉ Khìn (trái) hướng dẫn cho anh Lỷ Mành Hội cách in thiệp cưới tại cơ sở của gia đình ông.

Chính bởi vậy nên dù mới ngoài 40 tuổi song ông Lìu Chỉ Khìn đã được biết đến là người có uy tín, tấm gương sáng trong các hoạt động vì cộng đồng tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom.

Nâng đỡ những phận đời kém may mắn

Bên cạnh sự tin yêu của bà con địa phương, những việc làm của ông Lìu Chỉ Khìn còn được chính quyền địa phương nhiều lần tuyên dương, khen thưởng. Mới đây nhất, ông Lìu Chỉ Khìn đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên dương gương Người tốt, việc tốt của tỉnh năm 2016.

22 tuổi, nhà nghèo, không đất sản xuất, học chưa hết bậc THPT, mắt trái không nhìn thấy được do khuyết tật bẩm sinh - đó là hoàn cảnh của Vòng A Dưỡng (ngụ xã Thanh Bình). Cũng bởi khiếm khuyết cơ thể nên dù chỉ ước mong được làm một công nhân song đối với thanh niên này cũng là điều vượt quá tầm tay.

Hay như anh Lỷ Mành Hội (20 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm) vì lỡ vướng vào trò chơi điện tử khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến nỗi không dứt ra được nên chuyện học hành phải dang dở. Thêm vào đó, do gia đình đông con mà chỉ có ít đất sản xuất, giá cả nông sản bấp bênh nên cuộc sống của anh Lỷ Mành Hội và gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ đó, Mành Hội mong muốn tìm một nghề theo học để có thể tự lập trong cuộc sống. Nhưng do số tiền học nghề vượt quá khả năng của gia đình nên đã mấy năm rồi việc học nghề của Mành Hội vẫn chưa thực hiện được.

Biết được hoàn cảnh của 2 thanh niên kể trên, ông Lìu Chỉ Khìn đã liên hệ với gia đình để đưa cả 2 về nhà mình nuôi ăn, ở miễn phí và còn dạy cho nghề in lụa mà gia đình ông đã làm nhiều năm qua.

Khi anh Vòng A Dưỡng đã thành thục với nghề, ông Lìu Chỉ Khìn hỗ trợ máy móc cùng số vốn ban đầu 5 triệu đồng để thanh niên này ra làm riêng. Anh Dưỡng cho hay quá trình học gần một năm, anh luôn được gia đình ông Lìu Chỉ Khìn tận tình chỉ dạy mọi kinh nghiệm trong nghề, lo lắng chăm sóc từng bữa ăn, chốn ngủ. Sau khi học xong nghề, biết được khu vực TX.Long Khánh đang có nhu cầu mở một tiệm in lụa, ông Lìu Chỉ Khìn lại tiếp tục hỗ trợ anh Dưỡng ra làm nghề. Hiện thanh niên này đã bắt đầu có khách hàng từ đó có thu nhập nuôi thân.

Còn anh Lỷ Mành Hội đã thực hiện thành thục công đoạn kéo thiệp cưới cho khách. “Tôi ở đây đã hơn 3 tháng rồi. Ngoài lo cho tôi trong việc ăn, ở ngay tại nhà, cho tiền tiêu vặt hàng tuần, vợ chồng ông Lìu Chỉ Khìn còn chỉ tôi cách sống sao cho lễ phép với người trên, yêu thương những ai nhỏ tuổi, sống hòa đồng với mọi người. Đặc biệt, ông còn khuyến khích tôi tiếp tục theo học văn hóa hệ bổ túc về đêm” - Mành Hội nói.

Cũng từ khi được ông Lìu Chỉ Khìn chỉ dạy và rèn luyện mà hiện Mành Hội đã không còn chơi điện tử nữa. Thời gian chơi game như trước kia được nam thanh niên sử dụng để vừa học nghề vừa học văn hóa. Mành Hội cho biết thêm: “Mong sao thời gian tới khi học thành nghề tôi sẽ có việc làm ổn định để từ đó trở thành người có ích”.

Tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi

Bên cạnh những việc làm vừa nêu trên, ông Lìu Chỉ Khìn còn là người đứng ra thành lập và trực tiếp hướng dẫn biểu diễn lân sư rồng, dạy võ thuật miễn phí cho thanh thiếu nhi trong xã. Ngoài ra, ông còn cùng con gái lớn đứng ra tổ chức lớp học múa miễn phí cho học sinh trong xã tham gia sinh hoạt vào mỗi tối cuối tuần. Việc làm này của ông Lìu Chỉ Khìn đã tạo ra sân chơi lành mạnh cho 30-50 thanh thiếu niên đến tham gia sinh hoạt. Dưới sự hướng dẫn của ông Khìn, tất cả đều kiên trì tập luyện, sẵn sàng phục vụ bà con địa phương.

Nói về những việc làm của mình, ông Lìu Chỉ Khìn chia sẻ: “Trẻ ở thành phố, khu thị trấn có nhiều trò chơi giải trí. Còn trẻ em nông thôn hầu như học xong là về phụ giúp việc nhà cho cha mẹ. Nhiều em ham chơi thì tìm đến sông suối để tắm mát mà không có người lớn trông chừng dẫn đến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm. Hay có trường hợp các em tụ tập nhau lại rồi gây phiền hà cho hàng xóm. Từ đó tôi đã nảy ra sáng kiến tạo sân chơi cho các em”.

Em Xuân Đạt, hiện đang là học sinh lớp 6, ngụ xã Thanh Bình nói: “Sau giờ học em cùng các bạn trong xóm được tập võ, học múa lân miễn phí để rèn luyện sức khỏe nên ai cũng vui. Ngoài ra, mỗi khi tham gia biểu diễn phục vụ nơi có nhu cầu, số tiền thưởng được thầy Lìu Chỉ Khìn chia đều cho mọi người từ lớn đến nhỏ. Do vậy mà ai cũng phấn khởi vì vừa được chơi vừa có tiền mua sắm thêm giày mới, bút viết mà không phải xin cha mẹ”.

Với những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, người nghèo đều được ông Khìn vận động bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm kết hợp với hội chữ thập đỏ và hội khuyến học xã phát quà, tặng học bổng … Nhờ những việc làm tích cực vì cộng đồng mà ông Lìu Chỉ Khìn được người dân ở địa phương quý mến. “Đi đến đâu tôi cũng được mọi người từ bé đến lớn chào hỏi thân tình hay tìm đến thông báo với tôi về những trường hợp khó khăn để cùng nhau tìm cách giúp đỡ. Sự tin tưởng và quý mến của bà con chính là phần thưởng quý già nhất dành cho tôi” - ông Khìn cho hay.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,473,176       4/829