Xã hội

Báo động tai nạn giao thông dịp tết!

Khác với không khí tươi vui, chộn rộn của phố phường chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu 2017, tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh, nhiều bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông vẫn đang vật vã, đau đớn chiến đấu với tử thần.

Khác với không khí tươi vui, chộn rộn của phố phường chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu 2017, tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, nhiều bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông vẫn đang vật vã, đau đớn chiến đấu với tử thần.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho bệnh nhân L.N.K. bị chấn thương sọ não nặng. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho bệnh nhân L.N.K. bị chấn thương sọ não nặng. Ảnh: Đ.Ngọc

Dù đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cứu sống khi bị đa chấn thương nặng sau tai nạn giao thông, nhưng bệnh nhân N.T.B. (20 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề: cánh tay trái và cẳng chân trái bị cắt cụt.

Nhiều ca chấn thương nặng

Gần 2 tuần sau phẫu thuật, dù các vết thương trên cơ thể đang dần tiến triển tốt nhưng tinh thần của bệnh nhân B. đang rất hoang mang, căng thẳng, chưa thể thích nghi với những mất mát quá lớn mà mình phải đối diện. Ngày  bị tai nạn giao thông cũng là ngày B. chạy từ nơi làm việc về nhà để cùng bạn bè ăn mừng sinh nhật tuổi 20 của mình. Theo người nhà bệnh nhân, nguyên nhân tai nạn là do B. chạy nhanh, vượt qua xe cùng chiều và va chạm vào xe tải đi ngược chiều. Lúc bị tai nạn, B. đã uống rượu với nồng độ cồn trong máu đo được tại bệnh viện cao gấp 2,5 lần bình thường.

Nằm tại Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng còn rất nhiều ca chấn thương nặng do tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Đặng Thái Dương, trong khoa có gần 70 giường bệnh thì từ Tết Dương lịch  2017 đến nay, số ca bệnh tai nạn giao thông chiếm đến 80%, tăng hơn những tháng trước và cũng tăng số ca nặng. Đặc biệt, có nhiều ca đa chấn thương, gãy xương nhiều, phức tạp. “Vào ngày lễ, cuối tuần, bệnh nhân nhập viện đông hơn, phòng mổ luôn sáng đèn, có những ca mổ kéo dài 5-6 tiếng do chấn thương quá nặng nề. Phần lớn bệnh nhân bị tai nạn giao thông đều có uống rượu bia hoặc bị người say xỉn đụng vào” - bác sĩ Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, có lẽ không khí buồn nhất, ảm đạm nhất vẫn là tại các phòng bệnh nặng. Tại đây, có những bệnh nhân bị chấn thương sọ não không thể phẫu thuật, hoặc những bệnh nhân nặng dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn còn hôn mê. Cụ thể, trường hợp bệnh nhân N.V.T. (25 tuổi, tạm trú tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) bị chấn thương sọ não, giập não, xuất huyết não do tự té từ khi đi chơi lễ Tết Dương lịch, hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Lúc bị tai nạn, T. không đội mũ bảo hiểm nên bị chấn thương đầu rất nặng, không thể phẫu thuật. Hơn 3 tuần nằm điều trị hồi sức tích cực, T. vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, trong khi gia đình ngày càng kiệt quệ vì đã chạy vạy vay mượn cả trăm triệu đồng chữa trị cho con bởi T. không có bảo hiểm y tế.

Đừng để không có Tết!

Trên hành lang Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, ông N.V.Đ., cha của T., trải tấm chiếu mỏng, mệt mỏi nằm chờ tin con. Ông Đ. kể, cả nhà ông rời quê ở tỉnh Vĩnh Phúc vào nuôi gà thuê ở huyện Trảng Bom. Nhà có 2 người con trai thì cách đây 5 năm, anh trai của T. tử vong do tai nạn giao thông ở Đồng Nai khi chưa lập gia đình. Còn T. khi gặp nạn cũng chỉ ở tuổi đôi mươi và vừa đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn ập về, con lâm nạn, gia đình kiệt quệ, ông không biết sắp tới vợ chồng ông ở cái tuổi ngấp nghé 60 biết làm gì mà trả món nợ quá lớn để chạy chữa cho con. Với ông, năm nay coi như không có tết.               

Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất luôn đông bệnh nhân tai nạn giao thông.
Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất luôn đông bệnh nhân tai nạn giao thông.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tình hình cấp cứu do tai nạn giao thông từ Tết Dương lịch  đến nay cũng có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 ca cấp cứu thì có từ 50-60% ca tai nạn giao thông, tăng từ 10-20% so với những tháng trước đó. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, điều đáng báo động là có đến 40% trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông có sử dụng rượu, bia, trong đó có những ca bệnh nhân hôn mê, ngưng thở, đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương bụng, vỡ gan, vỡ lách, thậm chí tử vong; có những ca phức tạp, phải phẫu thuật nhiều lần nhưng tiên lượng rất nặng.

Đơn cử, trường hợp bệnh nhân L.N.K. (35 tuổi, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn. Kết quả chụp  CT scanner cho thấy bệnh nhân bị giập não trán 2 bên, tụ máu dưới màng cứng bán cầu bên phải. Bệnh nhân đã được 2 lần phẫu thuật lấy máu bầm trong não nhưng sau phẫu thuật vẫn hôn mê, vẫn còn phải nằm ở Khoa Hồi sức  - hậu phẫu để được chăm sóc đặc biệt.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cho hay  hậu quả của chấn thương sọ não rất nặng nề, dù có được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng ít nhiều đến trí tuệ và khả năng lao động của bệnh nhân: trường hợp nhẹ bị di chứng động kinh; trường hợp nặng bị yếu, liệt tay chân, nhận thức giảm, mất nhận thức, sống thực vật…

Đã uống rượu, bia không nên điều khiển xe

Bác sĩ Đặng Ngọc Quý Huệ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trong những ngày gần đây, một số bệnh có xu hướng tăng cao là: tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não, xuất huyết bao tử. Trong đó, các trường hợp bị tai nạn giao thông nằm điều trị tại khoa có xu hướng tăng về mức độ nặng, với nhiều ca có tiên lượng tử vong. Phần đông các trường hợp bị tai nạn giao thông đều có liên quan đến rượu, bia. Do đó, trong dịp năm mới Đinh Dậu 2017 sắp đến, để phòng ngừa tai nạn giao thông, ngoài chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông còn cần hạn chế uống rượu, bia, nếu có uống rượu, bia thì không nên điều khiển xe. Ngoài ra, cần chú ý luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô để hạn chế chấn thương đầu, chấn thương sọ não nếu không may xảy ra tai nạn giao thông.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,471,162       42/875