Xã hội

Siết chặt quản lý các cơ sở mầm non

Dân số cơ học tăng nhanh, TP.Biên Hòa đang trở nên quá tải về giao thông, môi trường, nhà ở và cả chỗ gửi trẻ mầm non. Khi hệ thống trường công lập không thể đáp ứng nhu cầu của xã hội thì cơ sở mầm non tư thục ra đời ngày càng nhiều.

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa. Ảnh:  P.Liễu
Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu

Song do điều kiện cơ sở vật chất không đạt chuẩn, thiếu giáo viên… nên thời gian qua tại một vài cơ sở mầm non tư nhân đã xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về lĩnh vực này, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Ngô Diệu Thanh cho biết nhiều trẻ mầm non phải học trong điều kiện không đảm bảo về môi trường an toàn và vệ sinh, trong đó có những cô giáo chưa được đào tạo nghiệp vụ.

 Thưa bà, bậc học mầm non ở TP.Biên Hòa đang chịu rất nhiều áp lực về trường lớp. Tình hình hoạt động của hệ thống cơ sở này hiện nay như thế nào?

- Đúng là Biên Hòa đang chịu sức ép rất lớn về trường lớp, đặc biệt là bậc học mầm non. Hiện tại, toàn thành phố chỉ có 32 trường mầm non công lập, trong khi hàng năm có đến trên dưới  60 ngàn trẻ ra lớp. Trước nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhiều trường mầm non tư thục cũng như nhóm lớp độc lập được thành lập. Ngoài hệ thống trường công lập, tính đến cuối năm 2016, Biên Hòa có 548 nhóm lớp độc lập.

 Có khá nhiều trường mầm non tư thục nhóm lớp không đạt chuẩn quy định lẫn chất lượng hoạt động, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trước đây hệ thống trường mầm non tư thục, các nhóm lớp độc lập, thậm chí là các điểm nuôi dạy trẻ hộ gia đình hoạt động trong điều kiện tự phát, ngành giáo dục chưa quản lý hết được. Những năm gần đây, việc quản lý chất lượng hoạt động của các cơ sở mầm non cả công lập lẫn tư thục đã rất được quan tâm. Về chất lượng, chúng tôi yên tâm với các trường công lập, còn các trường tư thục, nhóm lớp hiện đang được quản lý khá chặt cả hoạt động chuyên môn cũng như môi trường nuôi dạy. Lâu nay, ngoài những sự cố nho nhỏ như một vài vụ giáo viên đánh trẻ, trẻ té ngã do cơ sở vật chất không phù hợp… thì chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng hay đáng tiếc lớn. Để cạnh tranh, một số trường tư thục đầu tư khá hiện đại, có những cơ sở xây dựng còn tốt hơn cả trường công lập, đặc biệt là có lắp đặt hệ thống camera nên sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh rất tốt. Tuy nhiên, ngành giáo dục băn khoăn nhất là các nhóm lớp nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Hiện Biên Hòa có tới 548 nhóm lớp, trong đó có hơn 200 nhóm nuôi giữ trên 100 trẻ. Trong số này có 22 nhóm đang được đề xuất lên trường mầm non, nhưng còn vướng về đất đai nên không thể giải quyết được. Theo quy định, các trường mầm non chỉ được xây phòng học 30% diện tích, 70% phần còn lại phải dành làm sân chơi cũng như các hạng mục khác phục vụ việc học. Hiện nay đất đai ở Biên Hòa rất chật hẹp, không thể tìm được diện tích phù hợp nên phần lớn trường mầm non cũng như nhóm lớp độc lập phải tận dụng nhà ở làm nơi nuôi dạy trẻ.

Một trường mầm non tư thục sử dụng nhà ở để làm trường nuôi dạy trẻ (ảnh minh họa).
Một trường mầm non tư thục sử dụng nhà ở để làm trường nuôi dạy trẻ (ảnh minh họa).

 Do tình trạng thiếu giáo viên bậc học mầm non, nhiều trường tư thục phải sử dụng cả người chưa qua đào tạo nghiệp vụ. Tồn tại này do đâu, thưa bà?

- Biên Hòa hiện nay đang rất thiếu giáo viên mầm non. Theo quy định, phải bảo đảm ít nhất 2 giáo viên mầm non/lớp. Đối với các trường công lập đã đáp ứng được điều này, một số trường tư thục cũng bố trí tương đối về quy chuẩn này, nhưng các nhóm lớp độc lập còn thiếu nhiều. Có những cơ sở mới chỉ tuyển được 1 giáo viên mầm non/lớp, người còn lại chỉ là bảo mẫu phụ việc chăm sóc cho trẻ. Thực tế, những bảo mẫu này cũng đã được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng từ 3-6 tháng về nghiệp vụ do Sở GD-ĐT và Trung tâm dạy nghề TP.Biên Hòa tổ chức, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc trẻ cũng như kỹ năng sơ cấp cứu trong tình huống, sự cố đặc biệt. Đối với những điểm giữ trẻ gia đình có từ 3 - 5 trẻ thì không được cấp phép, song do nhu cầu thực tế nên vẫn phải cho những điểm này hoạt động, nhưng yêu cầu người giữ trẻ cũng phải đăng ký học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về kỹ năng nuôi giữ trẻ, đồng thời phải làm cam kết bảo đảm an toàn, bảo đảm vệ sinh cho trẻ.

 Với số lượng lớn cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non tập trung ở Biên Hòa, việc quản lý của ngành giáo dục cũng như địa phương thế nào?

- Hiện Phòng GD-ĐT quản lý các trường mầm non, đặc biệt là trường tư thục rất gắt gao. Hàng năm, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các lớp học nhằm kịp thời chấn chỉnh sai sót. Năm 2016, Phòng đã kiểm tra và cấp phép lại cho tất cả các trường tư thục cũng như nhóm lớp. Nếu trước đây, thời điểm mầm non còn do địa phương cấp phép (Phòng GD-ĐT chỉ quản lý về chuyên môn) thì nay các phường, xã chỉ được cấp phép cho cơ sở mầm non hoạt động sau khi có ý kiến đồng ý của Phòng GD-ĐT thông qua kết quả kiểm tra thực tế. Những cơ sở nào không đạt, chúng tôi kiên quyết không cấp phép và yêu cầu địa phương buộc cơ sở phải ngừng hoạt động.

 Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,447,553       4/1,003