Xã hội

Đảm bảo vừa tăng lương tối thiểu, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(ĐN)- Ngày 28-3, Sở Lao động – thương binh và xã hội tổ chức hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi khi áp dụng mức lương tối thiểu.

(ĐN)- Ngày 28-3, Sở Lao động – thương binh và xã hội tổ chức hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, nhằm lắng nghe những ý kiến phản hồi từ đại diện người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2017.

Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Hằng Nguyễn)
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Hằng Nguyễn)

Theo Sở Lao động – thương binh và xã hội, qua thống kê nắm bắt tình hình thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện khá đầy đủ, đúng tinh thần Nghị định 153 của Chính phủ về thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trong đó, vùng I là 3,75 triệu đồng áp dụng cho TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; vùng II là 3,32 triệu đồng áp dụng cho 2 huyện: Định Quán, Xuân Lộc và TX.Long Khánh; vùng III là 2,9 triệu đồng áp dụng cho 3 huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Thống Nhất.

Các doanh nghiệp trong tỉnh đều áp dụng mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Nhiều doanh nghiệp còn chi trả lương tối thiểu vùng cao hơn từ 20 đến 40% so với mức lương tối thiểu quy định của Nhà nước.

Tuy vậy, qua khảo sát của các cơ quan chức năng, vẫn có hơn 19% người lao động phản ánh mức lương không đủ đảm bảo cuộc sống, trên 72% phải chi rất tiết kiệm và chỉ 8% người lao động có tích lũy tài sản.

Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là rất cần thiết với người lao động. Song, việc áp dụng ở thời điểm cận tết làm cho các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu vùng cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng và công bố sớm, nhằm giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án và tuyên truyền để người lao động nắm thông tin.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ về giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở đối với người lao động và gia đình họ để gánh bớt một phần áp lực cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao đời sống của công nhân.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội cho biết, những ý kiến của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được đơn vị này tập hợp, kiến nghị với Bộ Sở Lao động – thương binh và xã hội trình Hội đồng tiền lương quốc gia xây dựng lộ trình điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo việc tăng lương tối thiểu, vừa tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,415,265       1/1,020