Xã hội

"Đối mặt" với công nghiệp thế hệ 4.0

Thời gian gần đây, cụm từ "cách mạng công nghiệp lần thứ 4", còn gọi là công nghiệp thế hệ 4.0 xuất hiện và trở nên phổ biến. Ngày 4-4, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có buổi nói chuyện rất hay về vấn đề này tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Thời gian gần đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, còn gọi là công nghiệp thế hệ 4.0 xuất hiện và trở nên phổ biến. Ngày 4-4, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có buổi nói chuyện rất hay về vấn đề này tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ngành giày da dự báo chịu tác động mạnh trong kỷ nguyên công nghiệp thế hệ 4.0. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
Ngành giày da dự báo chịu tác động mạnh trong kỷ nguyên công nghiệp thế hệ 4.0. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa

Công nghiệp thế hệ 4.0 là xu hướng kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật, tất cả được kết nối internet (IoT), các hệ thống kết nối internet (IoS) và trí tuệ nhân tạo (AI). Từ đó, những “hoạt động” thông minh ra đời sẽ dẫn đến sự thay đổi rất lớn lao trong tương lai. Công nghiệp thế hệ 4.0 dự báo tác động to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, thách thức ý niệm về vai trò thực sự của con người.

4.0: xu hướng tất yếu

Trong sự phát triển của loài người, đây là xu hướng tất nhiên. Ai đã từng xem qua lịch sử thế giới cận đại, hẳn còn nhớ đến 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Năm 1784, sự xuất hiện của máy hơi nước dẫn đến cơ khí hóa máy móc thay thế sức người được đánh giá là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Tiếp đó, giai đoạn 1871-1914 với phát minh ra điện, các động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt đã đưa thế giới vào thời kỳ điện hóa. Đến năm 1969, sự ra đời của máy vi tính là sức bật mạnh mẽ đưa loài người bước vào quá trình tự động hóa. Và nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa thế giới đến với kỷ nguyên số hóa.

Thử hình dung, 4.0 sẽ kết nối số mọi lúc, mọi nơi: người - người;  người - vật; vật - vật. Từ công nghệ này, máy móc cũng có “trí tuệ”, cụ thể là những robot thông minh có thể thay thế con người ở mọi cấp độ, trở thành lực lượng cạnh tranh đáng gờm. Nhiều vật liệu mới thông minh biết tự làm sạch, tự phục hồi ra đời. Xe tự động không cần người lái cũng xuất hiện. Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, ngành sinh học tổng hợp có thể tạo khả năng tùy biến cơ thể bằng cách sửa lại DNA... Những gì từng xuất hiện trong các phim khoa học viễn tưởng trước đây đều có thể có mặt trong tương lai.

Với những thay đổi theo quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, công nghệ 4.0 dự báo tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới, nói nôm na là “vẽ” lại bản đồ kinh tế thế giới. Những quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp mạnh về công nghệ số sẽ trở thành “cường quốc” mới, và ngược lại sẽ bị đào thải nếu không thích ứng.

Học cách đón nhận và thích ứng

Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng có tính hai mặt. Công nghiệp 4.0 không phải chiếc đũa thần mang đến thiên đường cho tất cả mọi người. Bên cạnh những lợi ích mà 4.0 mang lại, sẽ có những nhóm người yếu thế càng bị đẩy vào thế yếu hơn.

Cụ thể, sự xuất hiện của các loại robot sẽ khiến một số nhóm người mất việc làm. Trong đó, các nhóm lao động giản đơn, ít kỹ năng, lao động gắn với công nghệ cũ, lao động lớn tuổi… sẽ bị tác động mạnh. Số người thất nghiệp tăng lên, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo cũng giãn rộng, gia tăng tình trạng bất bình đẳng. GS.Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ông đã nêu ra con số ước tính, khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa.

Những nước cạnh tranh dựa trên lợi thế nhân công rẻ, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu tác động tiêu cực, dẫn đến sự bất ổn trong xã hội. Trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp đều xảy ra tình trạng bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị, kinh tế. Trước đây trong thời đại cơ khí hóa, máy móc thay thế con người làm công nhân thất nghiệp đã dẫn đến việc công nhân đập phá máy móc; rồi cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 diễn ra do sản xuất ra quá nhiều so với khả năng mua của thị trường… đều là những bài học đáng nhớ. 

Bên cạnh đó, việc kết nối trong “thế giới siêu phẳng” của 4.0 còn dẫn đến nỗi lo mất bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhất là những khu vực “thế yếu”. Con người với sự giao tiếp trong kỷ nguyên 4.0 cũng đối mặt với nguy cơ mất nhu cầu giao tiếp trực tiếp. Mới đây, thông tin một kỹ sư người Trung Quốc kết hôn với… robot đã khiến nhiều người lấy làm lạ lẫm, nhưng có thể đó là tương lai không xa trong thời đại 4.0 khi robot ngày càng hoàn hảo như một con người, thậm chí ưu việt hơn vì robot không… lắm lời, không cằn nhằn, không sai khiến và không bắt nộp lương hàng tháng.

Còn nhiều, rất nhiều những vấn đề con người chưa thể hình dung ra hết trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, như vấn đề an ninh quốc gia sẽ ra sao chẳng hạn. Thế nhưng, con người không thể từ chối sự tiến bộ của khoa học. Vậy, chỉ có cách nhận diện và đối mặt, học cách đón nhận và thích ứng.

So với các nước đang phát triển, Việt Nam đã “lỡ nhịp” trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, đang trong tình trạng tụt hậu nhưng vẫn phải hội nhập vào thế giới đang chuyển rất nhanh trong thời đại công nghệ cao. Với 4.0, lao động giá rẻ ở Việt Nam không còn là lợi thế. Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh ở ngành dệt may, da giày, tạo việc làm cho nhiều lao động. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, lao động trong 2 ngành này chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp. Tuy nhiên với công nghệ 4.0, quá trình tự động hóa sẽ giúp giảm nhân công, chi phí cũng giảm mạnh nên 2 ngành này sẽ quay về các nước phát triển, dẫn đến các nước lao động giá rẻ (Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Bangladesh, Myanmar) không còn lợi thế. Dự báo, 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc cao; ngành điện tử ở nước ta cũng chịu cảnh tương tự.

Đã nhận diện nguy cơ và không thể lùi bước, Việt Nam chỉ có thể đối mặt bằng cách quyết tâm “lên tàu 4.0” sớm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và tạo vị thế mới. Muốn vậy, cần phải có nguồn “nhân lực số” thích ứng với 4.0 trong tương lai. Và muốn vậy nữa, cần sớm có các chính sách đổi mới GD-ĐT và khoa học - công nghệ ngay từ bây giờ, nếu không, chỉ có thể “uống nước đục”.

Đồng Nai với đội tuyển robocon của Trường đại học Lạc Hồng đoạt các giải cao trong nước, khu vực sẽ là lợi thế về nền tảng trong công nghiệp 4.0  nếu như biết phát triển đúng mức, đúng tầm; không nên chỉ dừng lại ở một sân chơi khoa học của sinh viên mà cần biết đầu tư sâu vào các ứng dụng trong thực tế.

Sắp tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành và đi vào hoạt động, một thành phố vệ tinh thông minh với các ứng dụng từ công nghiệp 4.0 để phục vụ sân bay là điều rất cần thiết. Đó là lợi thế của Đồng Nai cần được tận dụng.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,410,657       35/1,032