Xã hội

Cái tâm vì cộng đồng

Với phương châm "sẵn sàng đến với bà con khi ai đó cần sự giúp đỡ và đặt lợi ích của tập thể cao hơn quyền lợi cá nhân", ông Đinh Văn Phan, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh đã có những việc làm thiết thực để hỗ trợ người khó khăn bằng vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Với phương châm “sẵn sàng đến với bà con khi ai đó cần sự giúp đỡ và đặt lợi ích của tập thể cao hơn quyền lợi cá nhân”, ông Đinh Văn Phan, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh đã có những việc làm thiết thực để hỗ trợ người khó khăn bằng vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Ông Đinh Văn Phan (phải) trao đổi kinh nghiệm về sử dụng hệ thống tưới tự động với một nông dân trong ấp.
Ông Đinh Văn Phan (phải) trao đổi kinh nghiệm về sử dụng hệ thống tưới tự động với một nông dân trong ấp.

Ông Phan cũng là Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân đầu tiên trong tỉnh xây dựng nguồn quỹ cho nông dân vay vốn không phải bằng hình thức mỗi hội viên đóng góp như ở nhiều nơi khác mà từ đóng góp của cộng đồng, gia đình.

* Ông Phan tốt bụng

Trần Thị Lệ Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), cho biết: “Tuổi cao nhưng ông Đinh Văn Phan vẫn hăng say lao động, quan tâm giúp đỡ mọi người. Đó là một cựu nông nhưng có cái đầu rất nhạy bén khi sẵn sàng thay đổi tư duy, phương thức sản xuất cũ để chuyển sang những mô hình mới; sống chan hòa với cộng đồng... Tính cách của người nông dân này đã truyền cảm hứng cho người dân trong xã học tập, làm theo”.

Vừa từ rẫy trở về nhà thay bộ quần áo tươm tất, ông Đinh Văn Phan lại tranh thủ đi lo công việc cho cộng đồng. “Hôm nay tôi đi vận động mạnh thường quân đóng góp cho nông dân nghèo. Đã có hẹn trước nên tôi phải gác việc rẫy lại để kịp giờ gặp người ta chứ nếu trễ giờ thì rất kỳ” - ông Đinh Văn Phan nói.

Bằng các mối quan hệ xã hội, ông Phan đã đi vận động ở nhiều nơi để giúp bà con nghèo trong ấp có vốn làm ăn. “Cách làm này của tôi rất mất thời gian, công sức so với việc áp mức đóng quỹ hội hàng năm cho hội viên để từ đó lấy tiền cho những trường hợp khó khăn vay như nhiều nơi vẫn làm nhưng tôi thấy làm vậy không ổn nên nghĩ ra cách làm riêng. Bởi nói thật, với hộ nghèo, cận nghèo thì đóng góp vào quỹ hội mỗi năm 1-3 triệu đồng đều rất khó, vậy nên tôi phải nhờ cậy vào sự giúp sức của cộng đồng để có điều kiện hỗ trợ người khó khăn” - ông Phan cho biết.

Nghĩ là làm, suốt 10 năm qua, ông Đinh Văn Phan đã đi gõ cửa từ nơi này đến nơi khác để mong nhận được sự giúp sức từ mọi người dành cho người nông dân nghèo. Nhờ sự minh bạch trong thu chi tiền hỗ trợ của mạnh thường quân dành cho nông dân mà ngày càng có nhiều người chung sức cùng ông Phan giúp đỡ người khó khăn. Qua nhiều năm vận động đến nay ông Phan đã vận động được gần 70 triệu đồng trao cho đúng người cần để phát triển kinh tế. Trong số đó gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (70 tuổi, ngụ tổ 8, ấp Bàu Cối). Ông Tuấn cho hay: “Đã 3 năm liên tiếp tôi được nhận vốn do từ sự vận động của ông Phan. Số tiền này được tôi dùng để mua thiết bị về lắp ráp hệ thống tưới phun. Đến nay cả vườn cây của tôi đều có hệ thống tưới phun nên rất tiện lợi vì không phải kéo ống tưới từng góc cây như trước kia vừa tốn thời gian vừa mệt mỏi đối với một người già như tôi”.

* Sống có ích

Không chỉ vận động mạnh thường quân các nơi đóng góp giúp người khó khăn mà ngay chính bản thân ông Phan cũng hỗ trợ nông dân nghèo. Mỗi năm ông Phan tự quy định cho mình là giúp vốn cho một hộ khó khăn. Để có tiền làm điều này, ngoài sống tiết kiệm, mỗi khi nhận được tiền khen thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen, ông Phan đều để dành riêng ra không đụng đến. Nhờ vậy, năm nào ông Phan cũng tích góp được từ 5-7 triệu đồng giúp vốn cho một hộ khó khăn.

Ông Trần Văn Nga (ngụ tổ 3, ấp Bàu Cối), một nông dân được ông Phan hỗ trợ vốn sản xuất, nói: “Tôi hay đau yếu nên không đi làm mướn được nên phụ thuộc vào mảnh vườn nhỏ của gia đình. Mỗi kỳ mua thuốc, mua phân bón là một lần khó. Biết hoàn cảnh gia đình, ông Phan đã tạo điều kiện cho gia đình tôi 3 năm liên tiếp mỗi năm vay 5 triệu đồng từ quỹ hội và hỗ trợ 5 triệu đồng từ tiền của cá nhân ông”.

Không chỉ là chỗ dựa giúp vốn cho người nông dân lúc khó khăn, ông Phan còn mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm nhân lực, chi phí từ đó nâng cao năng suất, thu nhập.

Theo hội viên Chi hội Nông dân ấp Bàu Cối Nguyễn Văn Tuấn, cách đây hơn 15 năm, ông Phan là một trong số ít người đi đầu của ấp trong việc ứng dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, tưới nước tự động, mạnh dạn thay đổi giống cây trồng của ấp. Đặc biệt, những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình sản xuất thực tế luôn được ông Phan chia sẻ với mọi người chứ không hề giấu cho riêng mình. Nhờ vậy, nhiều năm liền ông được Hội Nông dân TX.Long Khánh, tỉnh tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Tuy năm nay đã 75 tuổi, điều kiện gia đình ổn định song ông Phan vẫn không có phép mình bỏ bê công việc ruộng rẫy. Hàng ngày ông đều chăm chỉ lao động trên mảnh đất đã gắn bó gần như cả đời với mình. “Tôi thấy mình có ích khi còn sức khỏe để lao động, tham gia góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho mọi người” - ông Phan chia sẻ.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,406,389       1/937